Đã 84 tuổi nhưng chưa khi nào GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam ngơi nghỉ. Với niềm đam mê đặc biệt dành cho nền nông nghiệp nước nhà, hàng ngày ông vẫn miệt mài nghiên cứu về giống cây trồng. Đây là yếu tố đem lại cho ông nhiều “trái ngọt”. Có thể kể đến là 26 giống cây trồng mới. Trong số này có 10 giống đậu tương, 6 giống lạc mới và 4 giống đậu xanh được công nhận là giống Quốc gia. Các giống này đã giúp cho bà con nông dân tăng năng suất, thu nhập từ 15 đến 20% so với giống cũ.
Ngoài những bằng khen, bằng lao động sáng tạo trong nước, ông còn giành được nhiều giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên năm 1995; Giải thưởng "Doreen Mashler" về cải tiến năng suất và sản lượng lạc ở Việt Nam năm 2004; Giải thưởng quốc tế về tài nguyên thiên nhiên châu Á năm 2005. Gần đây, ông còn vinh dự được Viện Hàn lâm Khoa học Nga vinh danh vì đã có những công trình khoa học mang tính thực tiễn, ứng dụng cao. Tự hào về những giải thưởng, song GS Trần Đình Long cho biết điều khiến ông hạnh phúc nhất là niềm vui của bà con nông dân. “Tôi sung sướng nhất là khi tới thăm bà con, họ nói nhờ có ông mà tôi mua được vô tuyến và các thứ khác, chứ không phải giải thưởng nọ giải thưởng kia. Như có lần tôi Hưng Yên, lên Hà Giang, bà con nói nhờ có giống mới mà đời sống nâng lên. Đấy là điều khiến tôi cảm động nhất”, GS Trần Đình Long thổ lộ.
GS Trần Đình Long cho biết, ông sinh ra ở miền quê của tỉnh Phú Thọ - nơi có rừng cọ, đồi chè với những cánh đồng xanh mướt. Bố, mẹ đều làm nông nghiệp nên tình yêu với đồng ruộng cứ thế ngấm dần qua năm tháng. Khi lớn lên, ông luôn mang trong mình suy nghĩ phải làm điều gì đó để bà con nông dân đỡ vất vả. Đó đồng thời là lý do ông theo học và nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp. “Xuất phát từ gia đình nông dân, nên tôi muốn học cái gì đó để phục vụ nông dân. Khi đi học ở Liên Xô, tôi quyết định quay về để phục vụ nền nông nghiệp nước nhà”, GS Trần Đình Long chia sẻ.
Gần trọn một đời cống hiến cho khoa học, GS Trần Đình Long đã đặt chân đến hầu hết các miền quê ở các tỉnh thành trong cả nước. Nay tuổi tác khiến những bước đi chậm hơn nhưng ông vẫn chưa dừng lại. Bên cạnh những chuyến đi thực tế, ông còn theo dõi tin tức, hình ảnh về tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến khí hậu ở các vùng miền để tiếp tục nghiên cứu, cho ra những giống mới có tính thích ứng tốt và cho sản lượng, chất lượng cao. Đây cũng là những điều ông còn trăn trở và không ngừng nghiên cứu, sáng tạo. “Tôi còn trăn trở là làm sao nền nông nghiệp của mình phải vươn tầm thế giới. Muốn vươn lên thì giá trị nông sản phải cao, phải sản xuất phải theo chuỗi và chế biến sâu. Giống cũng là vấn đề quyết định đến vấn đề này. Thời gian qua, báo chí đưa tin về tình hình hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sắp tói mình phải tìm ra các loại giống chịu hạn tốt hơn”, GS Trần Đình Long cho biết.
Tương tự, đã ở độ tuổi U90 nhưng GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương vẫn say mê nghiên cứu khoa học. Ông cho biết may mắn được sinh ra trong gia đình gia giáo. Cha là một thầy đồ. Từ nhỏ, ông được cha lan tỏa tình yêu với tri thức, sự nghiêm cẩn trong học tập, làm việc.
Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội với thành tích xuất sắc, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó, ông được cử đi làm luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov.
Mong muốn được cống hiến cho nên khoa học nước nhà, học xong, ông đã về nước và tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu khi được phân công tham gia công tác quản lý tại Ban Khoa giáo Trung ương. Cá nhân ông đã chủ trì và tham gia chủ trì 2 đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước về trí thức và trẻ em cùng nhiều đề tài cấp bộ đạt xuất sắc. Ông cũng là người tham gia biên tập bộ sách giáo khoa đầu tiên về vật lý đại cương cho các trường Đại học kỹ thuật và sách tham khảo.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng tâm sự, có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân phải kể đến sự quam tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước. “Đảng cho tôi đi học. Khi tôi được kết nạp đảng ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi thấy Đảng như mở ra cho mình một con đường. Đó là động lực để tôi thêm quyết tâm phấn đấu. Từ đấy tôi làm nghiên cứu sinh, rồi tiến sỹ khoa học tại một trường danh tiếng của Liên Xô. Không có Đảng làm sao tôi có thể làm được như vậy. Đấy cũng là động lực để tôi thấy mình phải phấn đấu và đóng góp lại cho Đảng và Nhà nước”, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng chia sẻ.
Với niềm đam mê khoa học và trách nhiệm của người đảng viên cao tuổi, giờ đây, dù hạn chế về sức khỏe nhưng ông vẫn miệt mài với công tác nghiên cứu. Ông cho biết đặc biệt quan tâm đến các chính sách, pháp luật về phát triển khoa học của nước nhà. Theo ông, từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, chính sách đối với trí thức đã có bước tiến. Tuy nhiên, chính sách này cần được xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ đối với trí thức hơn nữa, cần có chính sách đãi ngộ với trí thức lớn tuổi có công lao đóng góp đáng kể cho đất nước; chính sách đối với trí thức tài năng, nhất là đối với trí thức trẻ; chính sách đối với trí thức người dân tộc ít người. Đây cũng là những nội dung ông đang tiếp tục nghiên cứu để đóng góp vào việc hoàn chính sách.
Thực tế cho thấy, với bề dày kiến thức và trách nhiệm, những trí thức cao tuổi vẫn đang miệt mài làm việc, lặng lẽ cống hiến cho đời. GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng và GS.VS.TSKH Trần Đình Long chỉ là hai trong số những người như thế.
Nghe bài viết dưới đây: