Ở tuổi “thất thập”, phải ngồi xe lăn nhưng ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều, ông Trần Đăng Bình, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội lại đi một vòng trong con ngõ 241, đường Chiến Thắng - nơi gia đình đang sinh sống. Đến trước cửa mỗi nhà, ông thường dừng lại ít phút, nở nụ cười hiền và có những cử chỉ thân thiện thay cho lời chào, câu hỏi thăm.

Không để ông phải chờ lâu, nhà nào có rác tái chế sẽ mang ra tặng cho ông. Đây là hình ảnh quen thuộc với bà con trong ngõ 241, đường Chiến Thắng gần 5 năm nay, bởi ai cũng biết ông Bình đến từng nhà, gom rác tái chế là để bán cho một cơ sở thu mua phế liệu cách đó không xa. Toàn bộ số tiền thu được ông dành tặng cho quỹ hỗ trợ người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội. Nhận thấy việc làm của ông Bình vừa giúp ích cho những người kém may mắn vừa góp phần hạn chế rác thải độc hại ra môi trường nên ai nấy đều ủng hộ.

Ông Bình chia sẻ, đây là việc làm xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm của người cao tuổi. “Rác thải nhựa gây ra bao nhiêu loại bệnh cho con người mà tôi là người chịu thiệt thòi về bệnh tật, tôi hiểu tác hại của nó nên cố gắng thu gom để thuận tiện cho việc xử lý. Làm được việc tốt cho cộng đồng nên cố gắng”, ông Bình tâm sự.

Với hành động nhỏ nhưng thiết thực, gần 5 năm qua, ông Bình còn giúp người dân trong ngõ 241, đường Chiến Thắng, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Thay vì để chung tất cả các loại rác vào một thùng, nhà nào cũng để riêng rác tái chế như lon bia, vỏ chai nhựa, hộp sữa, bìa carton vào một túi, chờ ông Bình đến lấy. Hơn thế, với nghĩa cử gây quỹ cho người khuyết tật từ rác tái chế, ông Bình còn đang lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Bà Trần Thị Nhị, ở quận Hà Đông, Hà Nội năm nay bước sang tuổi 80. Dẫu vậy, hơn 3 năm nay, từ khi biết đến nhóm thiện nguyện Đông ấm đan yêu thương, bà vẫn làm việc cần mẫn như một con ong. Nhận len từ nhóm thiện nguyện, hàng ngày ở nhà, bà vừa giúp các con trông coi nhà cửa, vừa luôn tay với việc đan len để tạo ra những chiếc khăn, chiếc mũ để tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền núi. Bằng cách này, bà Nhị không chỉ khiến cho đôi tay của mình linh hoạt, dẻo dai hơn mà mỗi năm còn tạo ra hàng trăm sản phẩm, giúp cho mùa đông của các em nhỏ nơi vùng cao ấm áp hơn. “Mình có thời gian, đan len còn tốt cho sức khỏe nên duy trì để góp phần làm cho mùa đông của các cháu nhỏ ở vùng sâu vùng xa bớt lạnh giá”, bà Nhị chia sẻ.

Ở tuổi 90, tóc bạc, lưng còng nhưng cụ Hoàng Thị Quảng, ở thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng là tấm gương sáng về việc thực hiện nếp sống văn minh để người dân trong con ngõ nơi cụ sinh sống noi theo. Chỉ bằng những hành động nhỏ mỗi ngày là quét dọn xung quanh nhà và con ngõ khu vực gia đình sinh sống. Vào những ngày cuối tuần - khi bà con trong xóm tổ chức vệ sinh môi trường ở khu vực công cộng, bà đều mang chổi ra góp sức. Cứ như vậy, suốt nhiều năm nay, hình ảnh một cụ già, chân chậm, mắt mờ nhưng luôn nhiệt tình với việc đảm bảo vệ sinh thôn, xóm đã lan tỏa ý thức giữ gìn môi trường, thực hiện nếp sống văn minh cho bà con trong xóm. “Tôi quét hàng ngày, sáng và chiều. Bà con trong xóm thấy mình quét thì họ cũng dọn”, bà Quảng cho biết.

Thực tế cho thấy, tuổi thọ bình quân cũng như sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam hiện được cải thiện đáng kể so với trước. Hơn thế, đây là lớp người có lợi thế về thời gian, kinh nghiệm và luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Bằng những hành động, việc làm nhỏ thường nhật, mỗi người cao tuổi vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội theo cách riêng của mình.

Nghe bài viết dưới đây: