Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, ông Vũ Văn Đảo, ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, lên đường nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện, ông được lệnh hành quân vào chiến trường Thừa Thiên Huế và được biên chế về Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, thuộc mặt trận B5. Với vai trò Trung đội trưởng Trung đội 3, ông thường tiên phong trong nhiều trận đánh và ghi được một số chiến công. Có lần, ông đã cùng đồng đội dùng súng trung liên lắp đạn lửa, bắn rơi một máy bay trực thăng của địch.
Trong trận đánh ngày 11/7/1974, ông bị thương và được đồng đội hỗ trợ để trở về đơn vị. Để tri ân những đồng đội đã ngã xuống, đặc biệt là những người đã bất chấp hiểm nguy nơi tiền tuyến để dìu ông trở về, từ năm 2010 - khi nghỉ hưu đến nay, ông dành nhiều tâm sức trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. “Đất nước đổi, tôi đươc an hưởng hòa bình mà đồng đội vẫn có những người còn nằm lại ở nơi rừng sâu núi thẳm. Có những đồng đội do chính tay tôi chôn cất nên việc tôi đi tìm mộ không chỉ là về nghĩa tình đồng chí mà còn là sự tri ân với các anh hùng liệt sỹ”, ông Đảo tâm sự.
Thời gian không thể xóa nhòa ký ức nhưng đã khiến cho không gian, cảnh quan của chiến trường xưa thay đổi. Những cuộc tìm kiếm của người lính cựu Vũ Văn Đảo hết sức gian nan. Không chỉ vượt qua những trở ngại của địa hình rừng hoang, núi cao hiểm trở, ông và đồng đội còn phải tranh thủ giữa lúc trưa hè nắng nóng để phát cây, lội suối lần tìm tọa độ, xác định vị trí đồng đội yên nghỉ. Ông Đảo cho biết có thời điểm tưởng chừng không thể vượt qua những trở ngại ấy nhưng tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc với các liệt sỹ đã giúp ông vượt qua tất cả. “Có những trưa hè ở miền Trung, nắng và nóng đỉnh điểm nhưng nghĩ về đồng đội - những người còn nằm lại nơi chiến trường, rất thiết thiệt thòi, nên chúng tôi quyết tâm băng rừng, vượt suối”, ông Đảo chia sẻ.
Với tình cảm đặc biệt dành cho những đồng đội đã ngã xuống, ông đã tìm được một số hài cốt và đưa các anh trở về đất mẹ. Trong số này, có cả những liệt sỹ do chính tay ông chôn cất nơi chiến trường năm xưa.
Từ khi hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc trở về, cựu chiến binh Vũ Ngọc Bút, ở quận Đống Đa, Hà Nội, chưa khi nào thôi nhớ về đồng đội, nhất là những người đã hy sinh mà hài cốt còn thất lạc. Đề cập nỗi trăn trở này, ông Bút chia sẻ. “Chiến tranh để lại nhiều cảm xúc với những người lính chúng tôi. Ai cũng thương những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Lúc chiến đấu bên nhau, anh em có khi chung một hầm, sau tiếng bom, mở mắt ra thì anh em đồng đội đã chết rồi”, ông Bút chia sẻ.
Để lòng mình nhẹ hơn khi nghĩ về thời khắc sinh tử, 15 năm nay, mỗi khi rảnh ông Bút cùng một số đồng đội trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sỹ. Ông từng nhiều lần bỏ tiền túi, mua vé máy bay từ Hà Nôi vào Cần Thơ, rồi tiếp tục di chuyển bằng ô tô, xe ôm xuống thành phố Mỹ Tho và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, tìm về nơi chính tay ông từng chôn cất những đồng đội cùng đơn vị. “Tôi bay vào với mục đích thăm lại chiến trường xưa, cảm ơn những người đã cưu mang tôi ở đó, đồng thời kết hợp tìm lại 2 liệt sỹ. Sau khi tìm gặp những nguoiwf già ở khu vực đó, họ đã giúp tôi tìm được”, ông Bút kể.
Không chỉ tìm kiếm, ông Bút còn cùng với một số đồng đội thực hiện việc cất bốc và đưa các liệt sỹ trở về quê mẹ.
Cứ như vậy, 15 năm nay, ông Bút đã góp công, góp sức tìm kiếm và đưa hàng chục liệt sỹ trở về đất mẹ. Ông chia sẻ mỗi lần tìm và đưa được đồng đội trở về, ông đều thấy lòng mình nhẹ hơn. Vì thế, ông sẽ tiếp tục những hành trình tìm kiếm cho đến khi nào sức khỏe cho phép.
Tương tự, từ khi rời quân ngũ, trở về đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Thành Tín, ở Hà Nội cũng tham gia Nhóm bạn chiến đấu Sư đoàn 5 năm xưa, thực hiện những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Mỗi hành trình tìm kiếm và đưa được đồng đội trờ về đều khiến ông nhẹ lòng hơn. “Đến bây giờ nhiều đồng chí, đồng đội của tôi còn nằm trên rừng. Làm sao đưa hết được anh em liệt sỹ về với đất mẹ là thiêng liêng, sung sướng nhất với chung tôi. Đi tìm thì vất vả nhưng tìm được và đưa về thì thấy lòng mình nhẹ đi”, ông Tín tâm sự.
Trở về từ chiến trường, đi qua lằn ranh sinh tử, hơn ai hết những người lính cựu thấu hiểu nghĩa tình mà họ từng dành cho nhau. Đó là lý do rất nhiều cựu chiến binh luôn trăn trở và sẵn sàng dành thời gian, công sức để thực hiện những hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc như một cách đẻ tri ân. Các cựu chiến binh Nguyễn Thành Tín, Vũ Ngọc Bút hay Vũ Văn Đảo là những trường hợp điển hình.
Nghe bài viết dưới đây: