Nghe chương trình tại đây:
Chiều chiều, ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Lê Thị Bình lại cùng nhau đi dạo ở công viên Thống Nhất. Nói là công viên ở gần nhà thì cũng chỉ đúng với một người. Ông Tuấn ở quận Ba Đình, còn bà Bình thì ở quận Đống Đa cách công viên khoảng một cây số.
"Chúng tôi đi khiêu vũ, đi hát, đi du lịch, đi du lịch, thỉnh thoảng đi ăn uống với nhau cho vui" - bà Bình kể.
Cả ông bà đều ở tuổi ngoài bảy mươi, bắt đầu nhuộm tóc đen từ khoảng hai năm nay. Lúc đi bộ hay cả khi ngồi nghỉ, ông đều nắm tay bà.
Cả hai đều đã mất đi người bạn đời. Họ tìm thấy nhau khi đầu đã hai màu tóc, từng trải qua những mất mát. Trong những lần đến câu lạc bộ khiêu vũ, ông cảm mến bà bởi sự dịu dàng, điềm đạm. Bà nhớ về ông là người bạn nhảy lịch sự và ân cần.
"Có bạn bè tuổi già cũng là một cách mang lại niềm vui cho mình chứ chúng tôi chơi với nhau rất trong sáng" - bà kể. Đơn giản là có người chờ mình ở câu lạc bộ, nhảy cùng nhau, đi du lịch, chơi thể thao. "Ốm đau có người chăm sóc động viên, thế là vui rồi".

Cả ông bà con cái đều ủng hộ, xem bạn của bố/mẹ như thành viên trong gia đình.
"Các con thấy ông bà tuổi cao, sống một mình cô đơn. Rồi ông bà kết bạn với nhau thì chúng ủng hộ ngay" - ông Tuấn nói.
Vậy là ông bà giờ đây có hai gia đình để quan tâm. Khi nhà bà có việc ông luôn có mặt đỡ đần. Còn những ngày lễ, tết bà cũng săn sóc ngôi nhà cùng ông. Cả hai ăn bữa cơm gia đình đầm ấm, thế là đủ ấm lòng tuổi xế chiều.
Có người hạnh phúc tìm được bạn để sẻ chia nhưng cũng có người vừa tìm vừa lo. Bà Nguyễn Thị Thanh 60 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội mất chồng đã hơn chục năm. Con cái rồi cũng ở riêng lo cho tổ ấm nhỏ. Bà lủi thủi một mình trông dãy nhà trọ cho thuê.
"Xem trên mạng xã hội có các câu lạc bộ tìm bạn đời, tôi cũng muốn vào nhưng giờ sợ lừa đảo lắm" - bà phân trần.
Trước đây, ai bảo đi bước nữa bà cũng phân vân vì thương con còn nhỏ. Bây giờ con lớn thì mẹ cũng toan về già. Được ai giới thiệu, bà cũng mong lần này sẽ gặp được người ưng ý.
"Cũng rất nhiều người muốn đến, cũng tìm hiểu nhưng mà tôi ngại vì kinh tế người ta kém, con cái họ không thành đạt, ông ấy còn nặng gánh" - tuổi này lựa chọn của bà cũng chắc chắn hơn.
Bà Thanh có dãy phòng trọ cho thuê, con gái thì đã phương trưởng. Thi thoảng bà giúp con đón cháu từ trường về nhà. Nỗi cô đơn chỉ ập đến khi trái trái gió trở trời.
"Bây giờ thì ốm nhẹ thôi, nếu bệnh nặng cũng chỉ trăm sự nhờ con" - bà dự định nếu không tìm được bạn đời, vài năm nữa bà sẽ vào trại dưỡng lão.
Thứ tình yêu sét đánh có lẽ xảy ra nhiều hơn ở người trẻ khi họ còn thời gian để mơ mộng, để chuẩn bị. Còn với người cao tuổi, các tiêu chí rõ ràng hơn về độ tuổi, tài chính, sẽ giúp họ cảm thấy an toàn.
Gõ cụm từ "người già tìm bạn đời" thì chỉ trong 0,27 giây, Google đã cho khoảng 28 triệu kết quả. Ngay từ những bài đầu tiên là các trang giới thiệu hẹn hò cho người cao tuổi. Điều đó cho thấy nhu cầu tìm bạn đời và dịch vụ kết nối giới thiệu cũng đang ngày càng một tăng lên.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng nhu cầu tình cảm không có hạn định ở lứa tuổi nào.
"Tôi đã thấy trong cuộc sống có những câu lạc bộ người ta đăng tìm bạn trăm năm khi mà hoàn cảnh của hai bên đã lỡ. Câu chuyện như thế để thấy được một điều: ước nguyện của họ có một người bạn là hoàn toàn chính đáng".
Rào cản lớn nhất của người cao tuổi tìm bạn đời là con cái. Họ sợ sự xáo trộn trong gia đình, sợ bố/mẹ lại thêm một lần vất vả hoặc nhỡ không như ý lại mệt mỏi hơn.
"Tôi cũng là minh chứng của giữ mẹ" - PGS.TS Lê Thị Bích Hồng chia sẻ. Thời chiến tranh, cha mất sớm, cô bé Hồng chỉ nghĩ không ai thay được người đàn ông trong gia đình là cha của mình.
"Tôi giữ mẹ mọi lúc mọi nơi, giữ mẹ khi mẹ đi làm, mẹ đi họp chi bộ, mẹ làm tất cả những công việc gì đều dưới sự giám sát của tôi - đứa con lúc bấy giờ mới chỉ 9-10 tuổi" - bà nhớ lại.
Khi đã có gia đình riêng, thấy mẹ mình lủi thủi chỉ có một mình thì lúc bấy giờ bà mới nhận ra mình đã ích kỷ với mẹ. "Mình lại chỉ nghĩ tới người cha của mình mà lại không nghĩ mở rộng ra là mình có thể đón nhận người cha thứ hai. Tôi chỉ muốn nói mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cuộc sống hôm nay người phụ nữ, trước hết là về sức khỏe tinh thần cái xuân sắc nó còn kéo dài hơn so với người phụ nữ ngày trước nhiều lắm. Nên bây giờ con cái hãy nghĩ tới bố mẹ cần những mong mỏi gì. Có những người bạn tâm giao, có những người bạn tri kỷ, có người bạn để cho cuộc sống của họ thêm thi vị và đẹp lên thì con cái cũng cần phải nhìn nhận cởi mở hơn"./.