Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là quy định tại khoản 5, Điều 4 của Dự thảo Luật: “Tập trung chuyển dịch hoạt động nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học, hỗ trợ các viện nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ...”

Đồng tình với định hướng lớn này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đặt trọng tâm nghiên cứu cơ bản vào các trường đại học là hướng đi đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế. "Tại các nước phát triển, các trường đại học vừa là nơi đào tạo, vừa là trung tâm sản xuất tri thức mới, thúc đẩy công bố quốc tế và nghiên cứu nền tảng. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn kết đào tạo với nghiên cứu, tối ưu đầu tư công," bà Nga nói.

Tuy vậy, đại biểu cũng cảnh báo rằng việc chuyển dịch này không thể thực hiện bằng cách “rút chỗ này đắp chỗ kia”. Theo bà, nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện vẫn thiếu về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ chuyên sâu và công bố quốc tế còn hạn chế. Nếu không có đầu tư bài bản, việc đẩy nghiên cứu cơ bản về trường đại học có thể ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của khoa học quốc gia.

Đại biểu cũng lưu ý, hiện nay các viện nghiên cứu chuyên sâu vẫn là nơi tập trung những nhà khoa học tinh hoa và đang đảm đương nhiều nghiên cứu nền tảng dài hạn mà các trường đại học khó đảm nhận. Do đó, cần duy trì và phát triển các viện này song song với việc nâng cao năng lực nghiên cứu của đại học. Đặc biệt, cần có cơ chế phối hợp hiệu quả như: chia sẻ phòng thí nghiệm, đồng tài trợ đề tài, hướng dẫn nghiên cứu sinh chung, hình thành nhóm nghiên cứu liên viện – liên trường.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ ra rằng khoa học không nên chia cắt cứng nhắc. Theo bà, “khoa học là dòng chảy liên tục”, và mô hình hiệu quả là sự hợp tác giữa đại học và viện nghiên cứu. Bà dẫn chứng mô hình Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) – nơi không trực thuộc một đại học nào, nhưng quy tụ hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu tham gia. “Đây là minh chứng cho thấy không nên giới hạn nghiên cứu cơ bản chỉ trong khuôn khổ đại học.” đại biểu nêu.

Còn theo đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương), quy định trong Dự thảo thể hiện chính sách đổi mới, mở ra nhiều ưu đãi cho hoạt động khoa học – công nghệ. Tuy nhiên, để chủ trương chuyển dịch đạt hiệu quả, rất cần có chiến lược đầu tư trọng điểm, cơ chế phối hợp linh hoạt và không thể thiếu là môi trường học thuật cởi mở, tôn trọng tự do nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Từ các ý kiến nêu trên, có thể thấy tinh thần đổi mới của Dự thảo Luật là rất rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa chủ trương này cần được thực hiện một cách có lộ trình, phân tích năng lực cụ thể, và bảo đảm sự phối hợp bền vững giữa các chủ thể trong hệ sinh thái khoa học – công nghệ, từ trường đại học, viện nghiên cứu cho đến doanh nghiệp.