Phố Nguyễn Văn Tuyết nằm ở quận Đống Đa, kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Tây Sơn đến ngã ba giao cắt phố Yên Lãng, chiều dài tuyến phố là 840m, nơi đây có nhiều hàng ăn, uống, từng là nơi thu hút giới trẻ, sinh viên các trường đại học xung quanh. Trước khi được công nhận là tuyến phố ẩm thực thì tuyến phố này khá đông đúc, nhất là ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Và khi biết thông tin, địa điểm này sẽ trở thành tuyến phố ẩm thực thứ 3 của Thủ đô, nhiều người đã kỳ vọng đây sẽ trở thành điểm thu hút người dân, giới trẻ, thậm chí hút khách du lịch.
“Trở thành phố ẩm thực là quá tuyệt vời, gia đình tôi hay đi ăn ngoài, mà lên Tống Duy Tân, phố cổ thì xa. Nay gần nhà, lại là phố ẩm thực thì rất tự hào cho người dân quanh đây”, anh Nguyễn Hoàng Long sống gần tuyến phố này chia sẻ.

Thế nhưng sau 2 tháng kể từ khi trở thành tuyến phố ẩm thực, nơi đây lại vắng khách hẳn trong 2 ngày cuối tuần. Lượng khách đã có sự thay đổi đáng kể gây ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà hàng.
Trong tuần, quán nào cũng đông nghẹt khách, không còn chỗ trống, nhưng đến cuối tuần lại vắng tanh, chẳng có bóng người nào. Phố ẩm thực không quá dài và thiếu các hoạt động thu hút, nên khách hàng không mấy hứng thú. Họ cũng ngại gửi xe rồi đi bộ vào chỉ để ăn một bát chè, uống một cốc nước.
Các cửa hàng quần áo, điện tử... cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng khi tuyến đường áp dụng lệnh cấm các phương tiện lưu thông. Việc hạn chế xe cộ đi lại khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc di chuyển, dẫn đến lượng người ghé thăm các cửa hàng giảm đáng kể vào hai ngày cuối tuần. Anh Đoàn Minh Phương, một chủ của hàng kinh doanh ẩm thực tại đây ca thán: “Trong tuần cũng có khách, thậm chí tối ngày thường còn đông, kín chỗ ngồi. Nhưng cứ đến tối thứ 7 là khách giảm đáng kể. Mấy tuần đầu tôi còn nghĩ do khách chưa quen, nhưng tuần nào cũng vậy khiến việc kinh doanh chúng tôi ảnh hưởng rất nhiều”.

Theo các chuyên gia đánh giá, tuy là phố ẩm thực, nhưng ở Nguyễn Văn Tuyết lại thiếu thương hiệu lớn và đặc sản riêng của khu ẩm thực. Vì vậy các cửa hàng ở đây chỉ là ăn uống bình dân, phổ thông, không tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó Ban quản lý phố ẩm thực cũng chưa có những chiến dịch truyền thông hiệu quả như chia sẻ của anh Phạm Nhật Minh, người dân đến từ phường Trung Liệt: “Ban quản lý nên có nhiều hoạt động bên ngoài khu ẩm thực… thậm chí tổ chức các buổi biểu diễn ca nhạc… ca nhạc cũng làm mọi người gần nhau hơn”.



Một nguyên nhân khác khiến lượng khách cuối tuần giảm là bởi việc hạn chế phương tiện đi lại. Cuối tuần Ban quản lý phố sẽ chắn rào, khiến nhiều người ngại ngần và quay xe khi thấy rào chắn. Người Hà Nội vẫn chưa có thói quen gửi xe, đi bộ tìm quán. Mức giá 20.000 đồng cho 1 lần gửi xe máy cũng đang “cản trở” khách đến với phố. “Tôi đến phố ẩm thực nhưng phải gửi xe ở các ngõ, ngách xung quanh… đi bộ vào phố cũng xa… Nhiều người muốn xem phố có những cửa hàng gì? Bán đồ ăn ra sao? Nhưng bảo đi bộ thì họ ngại”, chị Nguyễn Thu Phương một du khách chia sẻ.
Tại buổi khai trương tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết, Ông Hà Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa từng khẳng định: “Để duy trì phố hoạt động hiệu quả, chúng tôi sẽ có các chương trình về vệ sinh thực phẩm, về đa dạng thực phẩm… hi vọng đây sẽ điểm đến văn hóa của quận”.
Thế nhưng ngay cả trong đề án trình thành phố về phát triển tuyến phố ẩm thực, lãnh đạo quận cũng chưa thể lường trước được những khó khăn mà tuyến phố ẩm thực này phải sớm đối mặt. Thiếu hoạt động công cộng tại tuyến phố, thiếu điểm nhấn về ẩm thực đang làm khu ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết mất đi sức hút. Bên cạnh đó những bất cập về ngăn phố, giá gửi xe cao cũng khiến những ngày cuối tuần tại phố ẩm thực trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Chính quyền cần có hướng giải quyết sớm để khu phố ẩm thực này sớm nhộn nhịp trỏ lại, bởi dù sao đây cũng là điểm đến ưa thích và cần nhân rộng tại Thủ đô./.