Chân gà, chân vịt chua cay, xúc xích, mỳ cay, cá cay, thịt bò, thịt trâu khô rồi các loại kem, bánh ngọt, sữa chua… đồ ăn vặt Trung Quốc được quảng cáo, review, bán buôn, bán lẻ phổ biến trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng bánh kẹo tạp hóa trên thị trường. Tuy không nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu…nhưng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các sản phẩm thường được quảng cáo là “hàng nội địa Trung Quốc”. Không cần biết sản phẩm có nguồn gốc từ đâu, có được nhập khẩu chính ngạch hay không, nhiều người bán hàng vẫn vô tư nhập về bán lẻ.
Điều đặc biệt là giá của sản phẩm ăn vặt Trung Quốc thường rất rẻ, chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn/sản phẩm nên đã “dụ dỗ” được rất nhiều người tiêu dùng, nhất là trẻ em.
Nhiều người lớn, khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội hoặc được người bán hàng giới thiệu các loại kem, bánh, sữa chua uống là hàng nội địa Trung Quốc giá cả lại rẻ hơn hàng của Việt Nam nên cũng mua về sử dụng.
Ngon, rẻ nhưng liệu các sản phẩm ăn vặt nội địa Trung Quốc có đảm bảo an toàn hay không thì hiện chưa được kiểm chứng. Thậm chí, một số sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu gì thì ngay cả người đã sử dụng cũng không nhận biết được.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, quan niệm: “hàng nội địa Trung Quốc là an toàn, người Trung Quốc ăn được thì mình cũng ăn được” là hoàn toàn không đúng.
“Thực ra, công tác an toàn thực phẩm ở Trung Quốc cũng được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các sản phẩm thực phẩm nội địa Trung Quốc đều an toàn. Bởi có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được chấp nhận ở quốc gia này nhưng lại không được chấp nhận ở quốc gia khác. Ví dụ đồ ăn Trung Quốc có những chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản không được phép sử dụng ở Việt Nam. Hoặc hàng sản xuất tại địa phương, không được nhập khẩu một cách chính thống mà vào nước ta qua con đường tiểu ngạch, nhập lậu, không được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng. Rồi có thể quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, thời gian dẫn đến nhiễm vi sinh vật gây bệnh ảnh hưởng chất lượng thực phẩm. Hoặc khả năng tiêu hóa, phản ứng của cơ thể mỗi người đối với loại thực phẩm đó và dẫn tới phản ứng dị ứng thức ăn. Chúng ta cũng cần phải đề phòng những tình huống như thế” - PGS.TS Nguyễn Quang Dũng phân tích.
Cùng theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, việc sử dụng các loại đồ ăn vặt Trung Quốc được bán trôi nổi trên các nền tảng Internet và trên thị trường, không được kiểm soát về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm có thể dẫn đến những hậu quả xấu đối với sức khỏe.
Đó là nguy cơ bị ngộ độc cấp tính như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hay ngộ độc mãn tính khi các sản phẩm này bị nhiễm vi sinh vật, được tẩm ướp các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản quá hàm lượng cho phép, nhiễm chất cấm hoặc kim loại nặng như thủy ngân, asen. Đặc biệt, đối với trẻ em, hệ tiêu hóa, thần kinh chưa phát triển hoàn thiện, khi sử dụng thường xuyên các loại đồ ăn vặt này, chất độc có thể tích lũy lâu dài trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây nên chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Các sản phẩm ăn vặt Trung Quốc thường chứa rất ít hàm lượng dinh dưỡng hay các vitamin và khoáng chất nên không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Ngược lại, những sản phẩm này lại chứa nhiều muối, đường và chất béo chuyển hóa, sử dụng lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ béo phì và các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ em nói riêng cũng như tất cả mọi người nói chung, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng đề xuất các bậc phụ huynh và nhà trường nên có những chương trình giáo dục về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để các em học sinh cách nhận biết thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng như những nguy cơ, rủi ro khi sử dụng các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong môi trường học đường như thường xuyên kiểm tra các hàng quán bán đồ ăn vặt gần cổng trường học, nhất là thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, lựa chọn thực phẩm an toàn. Các bậc cha mẹ cũng nên chú ý cung cấp những bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế việc trẻ mua đồ ăn vặt không đảm bảo chất lượng tại những xe đẩy, hàng rong trước cổng trường hay trên đường phố - PGS.TS Nguyễn Quang Dũng khuyến cáo.