Từ nhiều đời nay, ông cha ta vẫn lưu truyền câu tục ngữ "Trẻ cậy cha, già cậy con" với ý nghĩa nếp văn hóa gia đình truyền thống của người Việt Nam, bố mẹ khi về già thường sống sum vầy bên con cháu. Nhưng mô hình đại gia đình có nhiều thế hệ sống chung, hay còn gọi là tam đại, tứ đại đồng đường dần bị thay thế bởi mô hình gia đình hạt nhân có hai thế hệ là bố mẹ và con cái trước nhịp sống đô thị hóa, hiện hiện đại hóa.

Dù đã có hai đứa con, nhưng chị Nguyễn Minh Hiền (35 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiếm khi nhờ cậy ông, bà nội và ngoại trông cháu. Sau thời gian cân nhắc, bàn bạc, chị Hiền cùng chồng quyết định thuê bảo mẫu để chăm sóc con với mức lương 12.000.000 đồng/tháng. Ban đầu, hai bên ông bà nội, ngoại cũng đã đề xuất và phân công nhiệm vụ trông cháu. Tuy nhiên, vợ chồng chị Hiền lại thấy việc này rất bất cập, bởi bố mẹ đều đã lớn tuổi, thêm việc phải di chuyển từ quê lên thành phố để trông cháu cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của ông, bà. Thời gian khi sinh con, mẹ chồng của chị cũng lên giúp đỡ, nhưng cũng chỉ phụ trách một số việc như nấu cơm cho gia đình và thỉnh thoảng bế cháu, còn việc chăm em bé đã có bảo mẫu lo. Thuê bảo mẫu giúp vợ chồng chị Hiền có thêm thời gian cho công việc, cũng như tiết kiệm công sức cho ông, bà nội và ngoại. Hàng năm, gia đình chị Hiền vẫn thường xuyên đưa các cháu về quê thăm ông, bà những dịp lễ Tết và nghỉ hè.

“Hai vợ chồng tôi đều đang khá là bận với công việc kinh doanh, nên ưu tiên sự tiện lợi. Lý do khiến tôi quyết định thuê bảo mẫu để trông con là vì sức khỏe của ông bà hai bên không được tốt, nên cũng ngại làm phiền ông bà. Thứ hai là đôi lúc tôi và ông bà cũng bị bất đồng về cách nuôi dạy con trẻ”. - Chị Hiền chia sẻ.

Nhiều cặp vợ chồng hiện đại không muốn nhờ cậy ông, bà trông cháu bởi sự khác nhau về quan điểm, phương pháp chăm sóc và giáo dục, vv… Đối với người cao tuổi, việc trông cháu thời hiện đại, khác hẳn nuôi con đơn giản ngày xưa, thậm chí có những kiến thức mới khiến nhiều người cao tuổi dù cố gắng nhưng cũng khó cập nhật được, gây mất lòng con cái. Do tuổi tác đã cao, nên nhiều ông, bà vẫn giữ tính cố hữu, hay quên, hay cố chấp, hay tủi thân, hay so sánh và khó tiếp thu cái mới thành ra khi áp dụng vào việc trông trẻ dễ có độ vênh với con cái. Và người cao tuổi thường sức khỏe kém, nhiều bệnh tật, đôi khi còn có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ nhỏ.

Vì việc chăm sóc cháu đã có con cái lo, nên nhiều người cao tuổi cũng có xu hướng chọn cách sống cho riêng mình ở tuổi xế chiều sau khi đã lo lắng xong xuôi việc học hành, dựng vợ gả chồng cho con cái. Theo số liệu điều tra trên 6.000 người cao tuổi trên cả nước của Viện Dân số sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, nhóm người cao tuổi sống một mình lên tới 8,6%. Trong đó, hơn một nửa số người cao tuổi sống một mình lại có con cái sống cùng xã, phường.

Bà Nguyễn Thị Hải (71 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân có nhiều thời gian hơn khi gia đình con trai thuê bảo mẫu để trông cháu. Hàng ngày, bà Hải thường tham gia hoạt động tại tổ dân phố, còn chồng bà thì tranh thủ làm thêm công việc bảo vệ bên cạnh thu nhập từ lương hưu. Tuy cuộc sống khá thoải mái khi về già, nhưng vợ chồng bà Hải luôn trông ngóng các cháu về thăm vì nhiều lúc cảm thấy “tủi thân” vì "nhà trống trải tiếng nói cười”.

"Tôi và ông nhà sau một đời lao động, hy sinh cống hiến, giờ con cái trưởng thành ra ở riêng, nên có thời gian đi tham gia câu lạc bộ thơ, du lịch cùng nhau. Chúng tôi cũng đồng ý việc gia đình con trai thuê bảo mẫu để trông cháu. Nhưng cũng thống nhất với con là để các cháu về thăm ông bà đều đăn để gắn kết tình thân gia đình”. - Bà Hải tâm sự.

Mỗi dịp cuối tuần, bà Hải đều đặn dậy sớm đi chợ để chuẩn bị những món ăn khoái khẩu cho các cháu và các con. Tuy vợ chồng con trai bà Hải đã dọn ra sống riêng gần 10 năm, nhưng gia đình vẫn duy trì thói quen đưa các cháu về thăm ông bà vào tối thứ 6 hàng tuần. Đối với bà Hải, được nhìn con cháu tụ họp, cả đại gia đình quây quần bên bữa cơm là niềm vui to lớn nhất ở tuổi xế chiều.

Theo nghiên cứu của Viện Lão hóa, Đại học Clemson, South Carolina, vai trò của mối quan hệ giữa ông bà và các cháu rất quan trọng, dù là trong quá khứ hay hiện tại. Trong đó, lòng biết ơn, sự tôn trọng và đánh giá cao được cho là những yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của thanh niên. Sự góp mặt của ông bà trong thời thơ ấu của trẻ, được khái niệm hóa là mức độ tiếp xúc và gần gũi về mặt cảm xúc, có mối liên hệ tích cực với sự phát triển cảm xúc, nhận thức của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những bài học rút ra từ mối quan hệ ông bà và cháu thời thơ ấu, đặc biệt là những bài học liên quan đến sự phát triển đạo đức, vẫn tồn tại ở trẻ, cho đến tuổi trưởng thành. Người trẻ coi những bài học rút ra từ ông bà là những nền tảng quan trọng trong quan điểm hiện tại của họ về cuộc sống..