Năm nay đã 77 tuổi nhưng bà Lê Thị Bích Lệ, ở thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát. Trí tuệ cũng minh mẫn. Đề cập vấn đề này, bà Lệ chia sẻ có lẽ một phần do trời thương. Phần còn lại là do bản thân không ngừng làm việc chân tay và trí óc.
Sau khi rời bục giảng, về nghỉ hưu theo quy định, thấy mình còn sức khỏe và có thời gian rảnh, bà Lệ tham gia vào các đoàn thể của thôn. Các phong trào, hoạt động của chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi chẳng mấy khi bà vắng mặt. Cứ như vậy, nhiều năm qua, bà say sưa với những hoạt động, sự kiện ở cơ sở. Thậm chí, mấy tháng nay, bà còn bận rộn với công việc tại thư viện của thôn Hưng Giáo. “Tôi ra sắp xếp lại sách, hướng dẫn cho các bạn nhỏ đọc vì làm nghề dạy học, giờ mó đến sách vẫn thích”, bà Lệ chia sẻ.
Làm nghề giáo, bà Lệ hiểu rất rõ giá trị của tri thức đối với cuộc sống. Chính vì thế, từ khi một số bạn trẻ trong thôn có ý tưởng xây dựng thư viện, bà Lệ đã ủng hộ nhiệt tình, đồng thời tham gia vận động người dân đóng góp tiền và hiện vật. “Trước đây, thôn từng có tủ sách rồi nhưng sau đó vì internet phát triển thì văn hóa đọc bị mai một. Khi một số bạn trẻ kêu gọi làm thư viện, người góp tiền, người góp vật liệu để sửa phòng đọc, tôi mừng lắm nên tham gia vận động người dân đóng góp”, bà Lệ thổ lộ.
Được làm công việc mình yêu thích nên mỗi ngày đến thư viện là một ngày vui đối với bà Lệ.
Tương tự, từ khi thôn Hưng Giáo xây dựng thư viện, bà Trịnh Thị Thu Hà - một giáo viên nghỉ hưu, cũng là thành viên tích cực trong mọi hoạt động. “Thư viện chia ra từng ban, tổ, như tổ truyền thông, tổ kỹ thuật, ban trông coi, ban cơ sở vật chất… mỗi ban, mỗi tổ chịu trách nhiệm một công việc… hoạt động rất phong phú. Như chúng tôi là giáo viên nghỉ hưu và các cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cấp học, thực hiện việc sắp xếp sách, hướng dẫn đọc và tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em nhỏ trong làng”, bà Hà cho biết.
Hàng tuần, chứng kiến các bạn trẻ trong thôn tìm đến thư viện và say sưa với những trang sách, bà Hà càng có thêm động lực để cống hiến. Cứ như vậy, vui với công việc nhỏ mà ý nghĩa mỗi ngày nên bà Hà quên rằng mình đã về hưu. “Lúc mới về hưu tôi thấy buồn nhưng từ khi đến thư viện, đồng hành cùng đọc giả, nhất là các bạn nhỏ, tôi thấy mình trẻ ra nhiều, cuộc sống có thêm niềm vui”, bà Hà chia sẻ.
Hơn 10 năm nay, ông Trần Quang Điển, ở thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng miệt mài với công việc tại thư viện của thôn. Năm nay, dù bước sang tuổi 83 nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi. Ông Điển chia sẻ việc sắp xếp sách, hướng dẫn, hỗ trợ đọc giả không quá nặng nhọc. Ông thầy mình còn sức khỏe, lại từng làm nghề giáo nên yêu thích công việc tại thư viện. Hơn thế, hàng tuần tới thư viện ông còn có thêm cơ hộ được giao lưu - yếu tố giúp cuộc sống thêm phần sinh động, nên ông muốn tiếp tục công việc đến khi nào sức khỏe cho phép. “Đến thư viện, trước hết tôi có thêm kiến thức từ những cuốn sách. Thứ nữa, mình được tiếp xúc với đọc giả gồm đủ các tầng lớp nên thấy vui và yêu đời hơn”, ông Điển thổ lộ.
Để duy trì sự kết nối với xã hội và giúp cho cuộc sống thêm phần sinh động, nhiều người khi về hưu vẫn không ngừng làm việc. Những việc làm tuy nhỏ nhưng thiết thực y và mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Nghe bài viết dưới đây: