Quai bị là bệnh do virus và lây qua đường hô hấp, chủ yếu gặp ở nam giới. Tuy không nguy hiểm nhưng ở nam giới tuổi dậy thì, bệnh quai bị có khả năng gây ra một số biến chứng liên quan đến cơ quan sinh sản đó là biến chứng viêm tinh hoàn, dẫn đến teo tinh hoàn.
Theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh ở Bệnh viện nam học và hiếm muộn Việt Bỉ, tỷ lệ bị biến chủng viêm tinh hoàn do quai bị chiếm khoảng 20-30%, tuy nhiên 60-70% trong số này sẽ bị teo tinh hoàn nếu bệnh nhân không được theo dõi, điều trị kịp thời.
Diễn biến của viêm tinh hoàn có 2 giai đoạn. Trong thời gian khởi phát biểu hiện bằng dấu hiệu sưng tuyến nước bọt mang tai, bệnh nhân sẽ thấy đau ở góc hàm hoặc phần dái tai, vùng sau dái tai có biểu hiện sưng. Vài ngày sau sẽ thấy đau ở tinh hoàn.
“Đau là triệu chứng đầu tiên cần nghĩ ngay đến nguy cơ viêm tinh hoàn, sau khi đau xong có thể sưng hoặc nóng đỏ tinh hoàn – đó là các triệu chứng của viêm tinh hoàn” – Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh cho biết.
Khi thấy xuất hiện các biểu hiện này bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ theo dõi, hướng dẫn dùng thuốc miễn dịch để giảm bớt tình trạng viêm của tinh hoàn. Nếu không được theo dõi, điều trị qua giai đoạn cấp có thể dẫn đến teo tinh hoàn. Quá trình này thường kéo dài trong vài tháng.
Teo tinh hoàn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau, tinh hoàn teo nhỏ hơn so với trước khi bị quai bị, lượng tinh dịch ít đi, màu sắc tinh dịch không đục như trước mà có thể trong hơn, khả năng sinh tinh bị kém đi hoặc mất hẳn, do vậy sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới.
"Đối với những trường hợp này việc điều trị không giúp tinh hoàn trở lại hoạt động bình thường như trước, nếu có nhu cầu sinh sản thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thực hiện thủ thuật để tìm xem vùng nào trong tinh hoàn có tinh trùng sẽ lấy ra để làm hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, số lượng tinh trùng lấy được khá ít, nhiều trường hợp không đủ nguyên liệu để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản" - Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh cho biết.
Do đó theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, nam giới tuổi dậy thì khi mắc quai bị cần nghĩ ngay đến nguy cơ bị viêm tinh hoàn và cần theo dõi, dự phòng các biến chứng của viêm teo tinh hoàn bằng cách hạn chế vận động, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để làm giảm bớt tình trạng viêm của tinh hoàn bằng việc bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, bác sĩ Mạnh lưu ý hạn chế vận động tinh hoàn bằng việc xuất tinh, hạn chế quan hệ tình dục bởi "tình dục là yếu tố nguy cơ làm tinh hoàn tăng hoạt động, khi tăng hoạt động sẽ làm cho lượng máu đến tinh hoàn nhiều hơn, là cơ hội để virus quai bị đến tinh hoàn cao hơn".
Một lưu ý nữa là trong vòng 1- 2 tháng sau khi bị viêm tinh hoàn, người bệnh nên đi khám và thực hiện phương pháp trữ lạnh tinh trùng để sau này có thể dễ dàng sinh con nhờ các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại.