Sáng ngày 19/1, tại Hội nghị trao đổi, cung cấp thông tin về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô được duy trì ổn định; ùn tắc giao thông được kiềm chế; tai nạn giao thông năm 2023 xảy ra 1.248 vụ tai nạn làm 710 người chết, 823 người bị thương; so sánh với năm 2022: giảm 144 vụ (10,34%), giảm 39 người chết (5,21%) và giảm 43 người bị thương (4,97%).

Tiếp tục phát huy hiệu quả các Tổ công tác 141 trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; qua đó, phát hiện 770 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, với 876 đối tượng thu giữ nhiều tang vật, phương tiện quan trọng. Bắt giữ 1.830 phương tiện, với 1.915 đối tượng có các hành vi vi phạm điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga gây rối trật tự công cộng.

Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức dẫn và bảo vệ tuyệt đối an toàn 811 đoàn, với 2.889 cuộc dẫn, 5.766 lượt dẫn, phục vụ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên thủ, khách quốc tế và các sự kiện trọng đại của đất nước.

Năm 2023, toàn lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý trên 301.000 trường hợp vi phạm, phạt 591,6 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 338,9 tỷ đồng, chiếm 134%). Đáng chú ý, vi phạm nồng độ cồn, xử lý 73.446 trường hợp, tăng 56.230 trường hợp (326,6%).

"Riêng việc kiểm tra xử lý người điều khiển phương tiện giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn, chúng tôi làm ráo riết, làm quyết liệt không có vùng cấm, không ngoại lệ, làm xuyên đêm, xuyên Tết" - Đại tá Trần Đình Nghĩa cũng nhấn mạnh rằng, đã uống rượu bia thì không lái xe là để đảm bảo an toàn cho chính mình, sự đoàn tụ của cả gia đình chứ không phải chỉ vì "sợ" cảnh sát giao thông.

Xử lý xe vi phạm quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành, thùng và vi phạm tốc độ đểu tăng so với năm 2022. Có 52.540 trường vi phạm về mũ bảo hiểm, trong đó có 2.698 trường hợp là học sinh vi phạm (chiếm tỷ lệ 5,1%). "Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh chở con em đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, vô tình trở thành gương xấu cho trẻ" - Đại tá Trần Đình Nghĩa cho hay. Trong năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội và các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền về an toàn giao thông trong trường học.

Về vấn đề giảm ùn tắc giao thông, cảnh sát giao thông Hà Nội thông tin, hiện có 299 các ngã 3, ngã 4, ngã 5 thường xuyên có lưu lượng giao thông đông, gây xung đột, ùn tắc. "Chúng tôi đã bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, công an quận, thị xã, lực lượng tự quản, sinh viên tình nguyện cùng vào cuộc, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông" - người đứng đầu lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội nói.

Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Trang Công Tiến - Giám đốc Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cho rằng giờ đây đã không còn khái niệm khung giờ cao điểm. VOV Giao thông là kênh phát thanh thực tế, mở sóng liên tục để cập nhật thông tin giao thông từng giờ, từng phút.

"Kênh VOV Giao thông có hơn 300 điểm camera tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Được sự đồng ý của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, sắp tới chúng tôi sẽ chia sẻ camera giúp các đồng chí cảnh sát giao thông tiếp cận nhiều hơn thông tin giao thông" - nhà báo Trang Công Tiến thông tin.

Năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, củng cố, nâng cao năng lực, hình ảnh, uy tín, vị thế của lực lượng cảnh sát giao thông, Công an Thủ đô. Trước mắt, huy động tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện nghiêm Kế hoạch của Công an Thành phố về mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024; Thực hiện các phương án của Công an Thành phố về huy động, bố trí lực lượng chỉ huy, hướng dẫn giao thông, phân luồng, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố./.