Nghe chương trình tại đây:

Tiền không chỉ là con số

Buổi tối trước khi đi ngủ, anh Hoàng Thế Khắc (34 tuổi) đọc trên mạng câu chữa lành thế này “Buổi sáng còn thức dậy nghĩa là bạn còn may mắn để bắt đầu làm mọi thứ”. Anh Khắc ngẫm nghĩ: “Câu nói ấy chỉ dành cho những người ít phải lo toan”.

Để có căn nhà "an cư lạc nghiệp" ở đô thị 10 triệu dân thì anh chấp nhận ở xa chỗ làm gần 20 cây số. “Đi muộn chút là tắc đường, đến muộn sẽ không được chấm công” – anh Khắc nói. Nếu sáng hôm đó thức dậy thấy trong người không khỏe, vợ chồng anh cũng không dám cho phép mình nghỉ. Nghỉ là ảnh hưởng đến thu nhập của tháng.

"Toàn bộ lương của tôi là để trả lãi ngân hàng, chi tiêu gia đình là lương của vợ. Con mà ốm đau, thiếu tiền lại nhờ ông bà trợ giúp" - bài toán chi tiêu gia đình của đôi vợ chồng trẻ tháng nào cũng thâm hụt.

Chưa mua được nhà, vợ chồng chị Lê Minh Hạnh ở Long Biên, Hà Nội cũng đang “đau đầu” vì thuê nhà. Căn nhà chị đang thuê gồm một phòng ngủ, một phòng khách có giá 7 triệu/ tháng. "Nếu có em bé, sẽ cần căn nhà 2 phòng ngủ. Tôi đã khảo sát, phải tầm 10-12 triệu/ tháng" - chị Hạnh kể - Mỗi tháng vợ chồng chị không kiếm được 40-50 triệu đồng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình với hai bên nội ngoại.

"Các doanh nghiệp thì đều đang khó khăn nên biên độ để có thể gia tăng lương cho lao động cũng rất khó. Chưa nói đến nguy cơ bị cắt giảm việc làm, trong khi giá nhà ngày càng tăng, chi phí sinh hoạt tăng, nguồn tiền tiết kiểm giảm"- theo chị Hạnh, cơ hội sở hữu ngôi nhà cho mình càng xa vời hơn.

Vay tiền mua nhà là lựa chọn của các gia đình trẻ. Họ sẽ mất khoảng 20 năm để gánh nợ ngân hàng. Nghĩa là thanh xuân và một phần trung niên sẽ ngập trong nợ nần. Năm 32 tuổi anh Hoàng Thế Khắc mua trả góp căn nhà chung cư 2,2 tỷ ở Hoài Đức, Hà Nội. Anh Khắc vay ngân hàng 80% với lãi suất thả nổi, mỗi tháng anh phải trả 16-17 triệu đồng.

Cơ hội không chia đều cho tất cả

Nhìn chung trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất kỳ gia đình hay doanh nghiệp nào cũng gặp sức ép về kinh tế. Trong đó áp lực với gia đình trẻ còn tăng hơn vì nguồn thu nhập không được đa dạng và cao như gia đình có tuổi và có kinh nghiệm khác. Hơn nữa nhu cầu tiêu dùng với gia đình trẻ cũng lớn do phải mua sắm từ đầu và chuẩn bị đầu tư cho tương lai.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần phải cân nhắc dòng tiền cũng như năng lực tài chính tự thân của gia đình để quyết định. "Đối với gia đình trẻ được bố mẹ hai bên hỗ trợ mà chỉ còn thiếu chút nữa thì có thể vay ngân hàng. Nếu năng lực tài chính có hạn, chưa đủ ít nhất 2/3 phần tiền để mua nhà thì cũng không nên" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong phân tích - "Nếu ai đó chỉ đặt mục tiêu sở hữu nhà mà bất chấp khả năng thanh khoản để nhắm mắt đi vay là sai lầm và rất có thể biến quyết định này mở đầu cho chuỗi ngày tháng căng thẳng áp lực kiếm tiền trả nợ và rất có thể tạo ra bất hạnh trong hạnh phúc gia đình".

Với không ít người, tiền không chỉ là con số. Tiền chính là áp lực, là nụ cười, là sức khỏe của cả gia đình. Vậy nên băn khoăn giữa việc mua nhà hay thuê nhà, chị Hạnh ở Long Biên quyết định hoãn kế hoạch sinh con. "Nuôi một đứa trẻ rất nhiều khoản phải lo và bắt buộc phải lo" - chị Hạnh chia sẻ.

Dù không phải thuê nhà hay mua nhà trả góp như chị Hạnh, anh Khắc, một số gia đình trẻ may mắn hơn có chỗ dựa là nhà của bố mẹ, thế nhưng vẫn không thoát được vòng xoáy kinh tế trầm lắng của năm vừa qua.

Lê Hạnh Hoa ở Thanh Xuân – Hà Nội quyết định nghỉ việc để trở thành mẹ bỉm sữa toàn thời gian, còn ông xã vẫn đi làm để lo tài chính cho gia đình. Nghĩ vậy mà cuộc sống lại không phải vậy. "Mình chồng đi làm nuôi gia đình nên hơi áp lực. Đợt vừa rồi cũng bị nợ lương mấy tháng" - Hoa nói về cuộc hôn nhân đã chẳng còn màu hồng. Con quấy khóc, đi bệnh viện, suốt ngày quanh quẩn trong căn phòng hơn chục mét vuông khiến Hoa trở nên cáu bẳn.

Đứng trước thách thức cuộc sống, người cho rằng sai lầm đã mua nhà trả góp 80%, người hoãn kế hoạch sinh con, người lại khao khát về quê để tránh cuộc sống xô bồ nơi thị thành. Áp lực đó không hề giảm dù ngân hàng giảm lãi suất, rộng cửa cho vay.

"Hãy nên đi thuê nhà nếu năng lực kinh tế chưa đủ. Tuy nhiên không có lời khuyên duy nhất cho tất cả các trường hợp" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích. Việc cần làm ngay của các gia đình là chi tiêu thông minh và đa dạng hóa nguồn thu. "Năm 2024 có xu hướng khá ngược với năm 2023. Với một số ngành tăng trưởng tốt như du lịch, bất đống sản liên quan đến nhà ở xã hội. Bên cạnh đó cũng có những ngành tăng trưởng kém đi, một số lĩnh vực chưa có điểm sáng rõ ràng như xuất khẩu. Giả sử kinh tế có sáng sủa hơn thì cơ hội không chia đều cho tất cả chúng ta. Vì vậy chi tiêu tiết kiệm là cần thiết", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.