Nếu bạn là một người luôn thu mình, ngại giao tiếp với mọi người, làm thế nào để vượt qua được bức tường vô hình khiến bạn mất đi cơ hội hòa mình vào tập thể?

Cá nhân thiếu hòa đồng: thiệt thòi cho cả hai phía

Theo Ths. Bùi Thanh Xuân, trong một tập thể, nếu như có một cá nhân không hòa đồng, có thể đây là một điều thiệt thòi cho chính tập thể đó. Vì biết đâu, đó là một người thú vị, nhiều tài lẻ, chỉ là vì họ chưa mở lòng với người khác. Như vậy, tập thể sẽ không tận dụng điểm mạnh của cá nhân đó.

Tuy nhiên, phần thiệt thòi sẽ nằm ở cá nhân nhiều hơn. Khi đó, bạn luôn cảm thấy cô đơn trong một đám đông, không tìm thấy tiếng nói chung với mọi người và bạn luôn thiếu thông tin. Trong mọi câu chuyện của tập thể bạn luôn thấy lạc lõng như bị gạt ra bên lề. Điều này khiến bạn ngày càng thu mình lại và có cảm giác hình như mọi người không coi mình là một phần của tập thể.

Hiện nay, ở nhiều tập thể có sự phát triển đạt đến một mức độ nhất định, họ coi trọng cả chính sự không hòa nhập của một ai đấy, họ tôn trọng cá tính và coi đấy là một nét đa dạng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn ở trong những tập thể văn minh như vậy.

Đừng tự ti, thu mình lại vì sự khác biệt của bản thân

Theo Th.s Bùi Thanh Xuân, thế giới xung quanh bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Mọi người ngày càng có xu hướng chấp nhận sự đa dạng và tôn trọng sự đa dạng của những cá nhân trong tập thể đó. “Nếu mình cũng không coi trọng sự khác biệt của mình thì rõ ràng là mình đang suy nghĩ tiêu cực.” Hãy suy nghĩ tích cực và lan tỏa sự tích cực đấy đến mọi người, tự khắc bạn sẽ trở thành một phần của tập thể.

Với những bạn trẻ luôn tự ti về hoàn cảnh gia đình, dù có oán trách bạn vẫn không thể thay đổi được nó. Thay vào đó, hãy thay đổi góc nhìn của mình về hoàn cảnh đó. Nếu thu mình và oán trách hoàn cảnh, oán trách bố mẹ chỉ khiến mọi chuyện xấu đi thôi.

Nếu tự cảm thấy hạnh phúc, sự vui vẻ đó sẽ lan tỏa đến tập thể và làm cho bạn luôn cảm thấy mình là một phần của tập thể.

Hòa đồng: hoàn toàn có thể tự rèn luyện

Đúng là có những người sinh ra đã có tính cách rất dễ gần gũi và luôn lan tỏa năng lượng tích cực sang người khác. Tuy vậy, không phải ai cũng có lợi thế đấy. Phần nhiều là chúng ta có thể rèn luyện được.

Đầu tiên bạn phải thực sự muốn trở thành một phần của tập thể. Bạn phải thực lòng muốn quan tâm đến mọi người và phải thể hiện điều đó bằng hành động. Đôi khi đó chỉ đơn giản là một câu chào, hỏi thăm khi mọi người có gì mới mẻ, chuyện vui hay điều buồn.

Thứ hai, bạn hãy chủ động thể hiện bản thân mình với đám đông. “Nếu bạn muốn hòa đồng nhưng lại khép kín tất cả mọi con đường dẫn vào bản thân mình, cũng giống như là cánh cửa chỉ mở một nửa thôi.”. Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn từ thế giới của riêng mình như chia sẻ điều gì đó trước đám đông về bản thân mình hay kêu gọi mọi người làm điều gì đó. Chắc chắn bạn sẽ tăng thêm sự tự tin và cảm thấy có nhiều điều có thể làm được.

Thứ ba, để kết nối với một tập thể, bạn cần có sự nhạy cảm về văn hóa, tức là ứng xử phải tùy thuộc vào hoàn cảnh môi trường. Chẳng hạn như bạn đang ở trong một môi trường rất nghiêm túc mà bạn lại mang vào đó bầu không khí quá trẻ con thì sẽ không phù hợp. Nếu thiếu đi sự nhạy cảm về văn hóa, vô tình bạn sẽ gây ra những sự cố về mặt giao tiếp và khiến mọi người có cái nhìn không thiện cảm đối với mình.

Cuối cùng, để mình trở thành một phần của tập thể và kết nối được với mọi người, không có cách nào khác là chính bạn phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của tập thể, của trường lớp. Qua các hoạt động đó, bạn mới có cơ hội để hiểu mọi người và mọi người cũng hiểu bạn hơn.

Ngoài ra, nếu như bạn là một người khó hòa đồng, hãy thử kết bạn với một người có tính cách ngược lại. Đấy chính là sự bổ sung rất tốt và bạn sẽ giúp mình biết được cách làm gì để giao tiếp với tập thể.

Sẽ chẳng bao giờ bạn hòa đồng được với tập thể nếu như bạn không chủ động giao tiếp với những người xung quanh. Vậy nên, hãy suy nghĩ tích cực và rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Và hơn hết, các bạn cần tự tin vào chính mình!