Về hưu hơn 6 năm nay, cuộc sống của bà Thiều Thi Thu, ở quận Long Biên, Hà Nội như bước sang một trang mới. Mỗi ngày, thay vì phải chịu áp lực công việc ở cơ quan, giờ đây bà có thể làm những điều mình thích. Các phong trào của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi,…bà cũng đều tham gia rất tích cực mà không đòi hỏi gì về thù lao, công xá. Thậm chí, mỗi khi địa phương có đợt vận động, quyên góp gì bà cũng là một trong những người đóng góp đầu tiên. Bà chia sẻ, có được cuộc sống như vậy lúc tuổi già là do sức khỏe luôn dẻo dai, các con thành đạt. Đặc biệt là khoản lương hưu hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Đây là yếu tố giúp bà có thể chi tiêu, mua sắm, về quê, đi lễ hay đi du lịch…mà không bị phụ thuộc vào con cháu. “Tôi cứ liệu cơm gắp mắm nên không bao giờ túng thiếu. Khi địa phương kêu gọi ủng hộ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo… tôi cũng luôn sẵn sàng”, bà Thu cho biết.

Mức lương hưu của bà Hoàng Thị Huệ chỉ bằng một nửa so với với lương hưu của bà Thiều Thị Thu. Tuy nhiên, kể từ khi về hưu đến nay gần 10 năm nay, chưa khi nào bà Huệ bị áp lực về tài chính. “Lương hưu của tôi chỉ có hơn 5 triệu/tháng thôi nhưng ít tháng nào mình tiêu hết!”, bà Huệ cho biết.

Bà Huệ chia sẻ, lương hưu không cao nhưng do tuổi già nhu cầu chi tiêu ít nên vẫn đủ, không phải xin con cháu. Điều này giúp bà có cuộc sống hoàn toàn chủ động. Đặc biệt, chứng kiến một số chị em phụ nữ, vì không có lương hưu, mỗi khi chi tiêu gì đều phải xin tiền của chồng, bà Huệ càng thấy lợi ích, sự thiết thực của việc tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu lúc về già. Vì thế, mỗi khi có dịp gần gũi chị em phụ nữ - những người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bà đều động viên, khuyên nhủ đóng bảo hiểm xã hội khi còn trẻ. Bởi theo bà, đây là không chỉ là sự chuẩn bị cho tuổi già mà còn là yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc gia đình. “Tôi vận chị em ở quê theo chồng lên Hà Nội sinh sống thì phải mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để sau này không phải phụ thuộc vào ai. Tôi thấy nhiều chị không có lương hưu, cuộc sống vất vả lắm. Đi chợ phải ngửa tay xin chồng. Có chị đã phải khóc vì chuyện đó”, bà Huệ chia sẻ.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề giáo, năm 2009, bà Trần Thị Thu Hương, quê ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhận quyết định nghỉ hưu. Chưa kịp vui thì bà nhận tin chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Để thuận tiện cho việc chữa trị, cả hai vợ chồng phải chuyển ra Hà Nội sinh sống. Ngoài nỗi lo về bệnh tật của chồng, bà Hương còn chịu áp lực về tài chính vì chi phí chữa trị quá lớn trong khi thu nhập giảm sút. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với bà. Đúng lúc khoản dành dụm vơi cạn thì bệnh tình của chồng thuyên giảm, sức khỏe hồi phục. Bà chỉ phải lo lắng các khoản chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Và khoản lương hưu đã giúp vợ chồng bà vượt qua giai đoạn ấy. “Tôi may mắn vì việc chữa trị thì có Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả. Còn chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình thì tiền lương hưu của tôi cũng tạm đủ”, bà Hương tâm sự.

Từ thực tế cuộc sống của bà Hương, bà Huệ và bà Thu, có thể nói khoản lương hưu không chỉ là điểm tựa an sinh với người cao tuổi mà còn là yếu tố giúp người tham gia bảo hiểm xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Nghe bài viết dưới đây: