Hành trình bền bỉ
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam với sự chung tay của Quỹ Hoa Hòa bình, nhóm Từ thiện “Chia sẻ - Sharing” và các nhà tài trợ mới đây đã phối hợp với UBND TP. Pleiku, huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho 35 nạn nhân bom mìn (số tiền 6 triệu đồng/người), trao tặng 30 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, tặng 15 suất học bổng cho 15 cháu học sinh con em Bộ đội Biên phòng và 15 suất học bổng cho 15 cháu học sinh nghèo là con em các dân tộc thiểu số thuộc lực lượng Công an nhân dân tỉnh Gia Lai… với tổng số quà trị giá hơn 440 triệu đồng. Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, đoàn đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 người nghèo thuộc huyện Chư Prông.
Đây là chuyến đi trao hỗ trợ sinh kế và thực hiện công tác tuyên truyền thứ 3 trong năm 2023 này. Trước đó, đoàn đã thực hiện tại 3 huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn là Cao Lộc, Lộc Bình và Đình Lập và huyện vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế với số quà trị giá gần 600 triệu đồng. Số tiền từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị trong quân đội như Viettel, Ngân hàng cổ phần quân đội, Tổng công ty trực thăng của Quân chủng Phòng không Không quân. Các nguồn xã hội hóa từ các đơn vị dân sự như Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn TASECO, tổ chức Bồ đề đạo tràng Hà Nội.
AHLLVTND Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, sau hơn 9 năm thành lập, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 6.000 người, trong đó 325 gia đình nạn nhận được hỗ trợ 01 con bò sinh sản, hiện nay đàn bò tại “ngân hàng bò” các tỉnh đã phát triển thêm hàng trăm bò con. Cùng với đó hơn 5.000 người khác được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, Hội còn tặng hàng trăm phương tiện nghe nhìn (tivi, radio), chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tiền thuốc cho hơn 2.000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Trăn trở trước những phận đời hậu chiến của các nạn nhân bom mìn, tất cả thành viên trong Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn đều tình nguyện không lương với mong muốn hỗ trợ được càng nhiều người càng tốt. Niềm vui của họ là thấy những gia đình được hỗ trợ sinh kế tiếp tục vững vàng vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó cũng là động lực để những hành trình còn bền bỉ tiếp tục làm vợi đi nỗi đau cho các nạn nhân bom mìn.
Tuyên truyền nâng cao nhân thức là cốt lõi để giảm thiểu tai nạn bom mìn
Theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ghi nhận, từ sau khi chiến tranh kết thúc cho đến nay đã có thêm 40.000 người chết và 60.000 bị thương tật do bom mìn còn sót lại. Trên toàn quốc có 10.511 xã đã và đang tiếp tục chịu hậu quả ô nhiễm của bom mìn sau chiến tranh.
Chính vì vậy, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nội dung cốt lõi để hạn chế tối đa hậu quả cũng như nâng cao kiến thức cho mỗi người về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ. Trong những năm qua, Hội đã xây dựng và triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng như phát thông điệp về phòng tránh tai nạn bom mìn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tới bà con nhân dân qua các ấn phẩm, clip âm thanh, hình ảnh, diễn ca và cả tuyên truyền trực quan. Đối tượng hướng tới là học sinh các trường học nhằm lan tỏa một cách sâu rộng nhất những kiến thức về phòng tránh bom mìn trong cộng đồng.
Cũng giống như hàng trăm học sinh khác, cháu K’ Pui H’Lan, học sinh lớp 7 ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông, Gia Lai sau khi tham dự buổi tuyên truyền cho biết, bản thân em đã từng nghe và đọc nhiều nghe thông tin về tai nạn bom mìn nhưng đây là lần đầu tiên em được dự một buổi tuyên truyền trực tiếp như thế này. “Qua nghe tuyên truyền và giao lưu với các câu hỏi, em biết được nhiều điều, chẳng hạn như các loại bom cam, bom ổi, bom dứa, tuy nằm lâu trong lòng đất nhưng vẫn có thể phát nổ. Em cũng biết thêm những kiến thức để ứng xử khi gặp các vật nghi ngờ là bom mìn và vật nổ” – K’Pui H’Lan chia sẻ.
Không chỉ các em học sinh mà cả các thầy cô giáo và hàng trăm người dân ở huyện Đức Cơ, Chư Prông và thành phố Pleiku (Gia Lai) sau khi tham dự các buổi tuyên truyền đã thu nhận được nhiều thông tin bổ ích, hy vọng họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa trong cộng đồng về những thông điệp về phòng chống tai nạn bom mìn.
Gieo niềm vui - gặt hạnh phúc
Gieo niềm vui, tạo điểm tựa cho những người có hoàn cảnh khó khăn nói chung, các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn nói riêng chính là hạnh phúc của người làm thiện nguyện. Là một trong những đơn vị đồng hành cùng Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ngay từ những ngày đầu, bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi hoạt động cũng nhiều năm rồi. Ngay cái tên của quỹ cũng nói lên chúng tôi muốn cùng đóng góp vào xã hội những ý tưởng về hòa bình, giúp đỡ những nạn nhân đã chịu nhiều bom đạn chiến tranh ở mọi miền đất nước, nơi nào cần là chúng tôi đến, đặc biệt là những vùng biên cương xa xôi. Mong muốn lớn nhất làm sao cùng các tổ chức xã hội, các đoàn thể khác, góp phần đem lại cuộc sống ổn định, tươi đẹp hơn. Khi mang niềm vui đến cho mọi người mình sẽ gặt được niềm hạnh phúc”.
Tham gia đoàn công tác lần này có 35 bác sĩ, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 người, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ông K’Tu Thái, sinh năm 1940 ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết dù sức khỏe không tốt nhưng do không có người đưa đi nên ông chưa tự đi khám sức khỏe bao giờ. Nay được khám, được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, ăn uống hợp lý, ông vui lắm, hứa sẽ chịu khó chăm sóc sức khỏe để sống lâu hơn, vui hơn.
Còn đối với các y bác sĩ và các tình nguyện viên tham gia đợt công tác này có cảm xúc đặc biệt, vừa vui, vừa trăn trở. Vui vì được tư vấn, hướng dẫn để bà con sống khỏe hơn. Nhưng trăn trở vì nhiều người còn khó khăn, neo đơn không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, nhiều người yếu đau bệnh tật mà chưa thể chữa trị…
Đồng chí K’sor Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, Chư Prông là một huyện biên giới nằm về phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai, có 311 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Toàn huyện có 31.694 hộ với 135.771 khẩu, gồm 24 dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm gần đây, đời sống của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Mặc dù vậy, huyện Chư Prông vẫn là một huyện còn khó khăn, trong đó 39 thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 15,07% dân số toàn huyện.
Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhờ đó bà con nhân dân đã nhận thức rõ về những hiểm họa mà bom mìn, vật nổ gây ra, từ đó đã chủ động hơn trong công tác phòng chống, kịp thời phát hiện vật liệu nổ, bom đạn còn sót lại trên địa bàn, báo cơ quan chuyên môn phối hợp khắc phục, tiêu hủy bảo đảm an toàn.
“Những hoạt động của chương trình rất phong phú, thiết thực, gần gũi. Mong rằng chương trình sẽ tiếp tục được duy trì, ngày càng có nhiều hoạt động ý nghĩa”. Đồng chí K’sor Việt bày tỏ.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai, Ban Chấp hành Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh 23 cá nhân có nhiểu đóng góp cho công tác tuyên truyền và khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thuộc một số cơ quan Trung ương và địa phương.