Những năm qua, cùng với các biện pháp y tế thông thường, người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Một trong những giải pháp bền vững, bảo đảm để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV lâu dài, suốt đời là Bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ được thanh toán qua BHYT, người bệnh HIV được điều trị ARV liên tục, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, số lượng người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT ngày càng tăng. Từ nhiều năm nay, anh Hoàng Văn Dũng ở Hà Nội cảm thấy sức khỏe, thể lực đều tốt lên rất nhiều khi được sử dụng thuốc ARV liên tục từ tấm thẻ BHYT. Sau nhiều năm điều trị, giờ anh Dũng có thể lao động và có cuộc sống bình thường như bao người khác.

"Tôi đăng ký điều trị ARV bằng BHYT. Tới nay sức khỏe tôi rất tốt. Tôi đã đi làm bình thường. BHYT thực sự mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ chúng tôi nhiều" - anh Dũng cho biết.

Việc điều trị cho người nhiễm HIV đòi hỏi quá trình lâu dài và chi phí tốn kém. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS đã bị cắt giảm, BHYT chính là biện pháp tối ưu, đảm bảo cho người nhiễm HIV được điều trị liên tục, đều đặn.

Tham gia BHYT, chị Lê Bích Ngọc ở Hưng Yên được chi trả gần như toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. BHYT đã trở thành giải pháp cứu cánh để người nhiễm HIV như chị Ngọc được tiếp tục sử dụng thuốc ARV sau khi nguồn viện trợ chấm dứt.

Chị Ngọc chia sẻ "HIV giờ được coi là bệnh mãn tính điều trị suốt đời. Thế nên quỹ BHYT là rất cần thiết, giúp nâng đỡ những người bệnh HIV như chúng tôi trong điều trị, dùng thuốc ARV".

Theo quy định hiện hành, người nhiễm HIV/AIDS chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền khám, chữa bệnh. Như vậy, khi tham gia BHYT, người bệnh HIV sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: mua thuốc ARV, khám bệnh, làm xét nghiệm, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Bác sĩ Trương Thị Minh Hồng, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội khẳng định "Lợi ích đầu tiên là người bệnh HIV ổn định về sức khỏe, giảm tải về kinh tế".

Theo bác sĩ Hồng, phần lớn người bệnh nhiễm HIV đều thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Nếu họ không có khả năng thanh toán chi phí thuốc ARV có thể dẫn tới tình trạng bỏ điều trị, gây kháng thuốc hoặc điều trị thất bại. Do vậy, việc tham gia BHYT với người nhiễm HIV là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững để điều trị liên tục và suốt đời.

"Nhờ được điều trị ARV qua thẻ BHYT, bệnh nhân họ có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình đỡ khó khăn. Họ tăng thêm hiểu biết, sống văn minh hơn" - Bác sĩ Trương Thị Minh Hồng vui vẻ cho biết.

Để duy trì điều trị HIV/AIDS cho người bệnh, trong những năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các địa phương thực hiện việc chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT. Nhiều giải pháp được triển khai như tư vấn người nhiễm HIV tham gia BHYT; rà soát người nhiễm HIV cần hỗ trợ mua thẻ BHYT; đồng thời bảo đảm ngân sách hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT...Tuy nhiên, tại một số nơi, độ bao phủ BHYT trong nhóm đối tượng này vẫn còn thấp.

Một nguyên nhân được đưa ra là khi mua thẻ BHYT cần phải có đầy đủ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, không ít người bệnh HIV còn tự ti, mặc cảm, sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử nên còn ngần ngại trong cung cấp thông tin. Thậm chí, có những người bệnh dù có thẻ BHYT nhưng vẫn dùng tiền túi để khám, chữa bệnh vì lý do muốn che giấu tình trạng bệnh của bản thân.

Bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra lời khuyên "Chúng tôi khuyến cáo người nhiễm HIV hãy tham gia BHYT để được điều trị tại các cơ sở BHYT. Ngoài thuốc ARV thì người bệnh còn được tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe nữa".

Bên cạnh đó, nhiều người bệnh HIV còn chưa hiểu hết lợi ích của thẻ BHYT nên không tham gia. Có những trường hợp không đủ sức khỏe lao động, điều kiện kinh tế khó khăn không có điều kiện mua thẻ BHYT.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, theo bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và Chăm sóc HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT.

"Chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân các thông tin về giá thành của thuốc, về chi phí các dịch vụ mà người bệnh phải chi trả khi không tham gia BHYT. Từ đó bệnh nhân hiểu lợi ích của tấm thẻ BHYT khi không may nhiễm HIV" - bà Đỗ Thị Nhàn cho biết.

Để tạo điều kiện cho người bệnh HIV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin quản lý dến từng bệnh nhân. Với những điều kiện thuận lợi đó, người bệnh HIV tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh với chất lượng cao và đảm bảo bí mật thông tin cá nhân. Do vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình./.