"Nắng hay mưa chúng tôi chưa có ngày nghỉ nào"
Từ ngày 17/5 đoàn xe chở những kỹ sư, người lao động của Công ty Truyền tải điện 2 (trụ sở chính ở Đà Nẵng) lăn bánh tiến ra Thanh Hóa. Tại đây, 150 người tỏa đi 5 vị trí đã được phân công là 133,135,136, 172,174 đồng loạt dựng cột 500kV.
"Công việc dựng cột chúng tôi đã từng làm nhưng cột 500kV thì trọng lượng lớn và cao nên những ngày đầu có khó khăn nhất định" - anh Trần Bình Hưng phụ trách kỹ thuật và giám sát an toàn tại tổ 3 của tổ thi công Truyền tải điện 2 cho biết, vị trí 174 chiều cao 68m gồm 2 thân, có trọng lượng 235 tấn.
Sau khi nhận mặt bằng, nhóm kiểm tra vật tư phụ kiện, nhóm nghiên cứu bản vẽ. "Không chuyên về xây dựng nên chúng tôi bắt đầu chậm hơn nhưng giờ đây mọi cái đã thuần thục và anh em làm tốt nhiệm vụ của mình" - anh Hưng nói, phía sau anh cột điện 500kV đã thành hình thành dạng. Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc công ty Truyền tải điện 2 cũng có mặt tại công trường để theo dõi tiến độ. Cột càng cao, bóng dáng người công nhân lắp ráp từng khung sắt càng trở nên nhỏ bé. Chỉ có sự quyết tâm đồng lòng về đích trước ngày 30/6 là lớn dần trong mỗi tổ/ nhóm trên các công trường mạch 3.
"Từ ngày ra đây, chúng tôi chưa có ngày nghỉ vì thời tiết cả. Mưa làm, nắng làm. Mưa to thì đọc bản vẽ và tập hợp các thanh ở chân cột, tổ hợp thanh, tổ hợp mảng. Khi nắng sẽ làm cẩu kéo lên cao lắp ráp" - anh Hưng chia sẻ.
Để đạt mục tiêu đóng điện trước ngày 30/6/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã huy động gần 10.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động làm việc " 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ" tại các công trường trên địa bàn 9 tỉnh có đường dây đi qua.
Đặc biệt, từ giữa tháng 5, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã huy động tối đa lực lượng từ các đơn vị truyền tải điện trong cả nước, rải quân trên khắp vị trí, cùng với các nhà thầu xây lắp dựng cột. Vậy là, không riêng gì truyền tải điện 1, các công ty truyền tải điện 2, 3 và 4, từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên hay vùng sông nước miền Tây cũng đều gặp nhau ở dự án đường dây mạch 3 này.
"Tôi là người gốc ở Hưng Yên nhà cách vị trí 10km mà chưa về được" - anh Trần Văn Minh, Truyền tải điện Buôn Mê Thuột (Công ty Truyền tải điện 3) vừa nói tay vừa chỉ hướng về nhà.
Anh Trần Quảng Ngãi - Phó phòng kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 3 thông tin, đơn vị được giao 5 vị trí: 37,38, 39,166,167 trải dài trên hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. "Với tiến độ cấp bách, 138 người chúng tôi đang cố gắng 100% sức lực trên công trường".
Xe của Công ty Truyền tải điện 4 xuất phát từ ngày 15/5, ô tô đi 3 ngày đã kịp có mặt ở miền Bắc. Tại vị trí 190A (Hưng Hà, Thái Bình), anh Châu Huy Anh (Công ty Truyền tải điện 4) cho biết, hơn 30 năm trong nghề, đã đi hết mười mấy tỉnh phía Nam làm nhiệm vụ truyền tải điện nhưng đây là chuyến ra Bắc đầu tiên.
"Chuyến đi này chúng tôi xác định là dấu ấn cuộc đời" - Huy Anh nói, mắt vẫn nhìn lên cao theo dõi anh em lắp ráp rồi lại nhìn vào bản vẽ. "Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhiệm vụ để về với vợ con. Ở đây chúng tôi không có thời gian nhớ nhà, đặt lưng xuống là ngủ để mai làm tiếp".
Tập trung nguồn lực cho người lao động xa nhà
Vai trò chính của truyền tải điện đó là quản lý, vận hành lưới điện cao áp 220kV và 500kV đảm bảo mạch xương sống của ngành điện được truyền tải ổn định, thông suốt. Vì vậy, việc huy động kỹ sự, công nhân, người lao động ngành truyền tải tham gia xây dựng cột 500kV mạch 3 cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Thiện Hùng, đội trưởng đội quản lý đường dây Phú Lâm, thuộc truyền tải điện TP HCM cho biết, các anh chưa bao giờ tham gai công việc dựng cột 500kV. "Anh em phải họp, nêu cao quyết tâm, ai có khả năng đọc bản vẽ sẽ phụ trách nhìn và giám sát cho anh em lắp ráp" - Anh Hùng kể.
Nhiệm vụ được phân công, tinh thần và vật chất đã chuẩn bị hết, có lệnh là lên đường. Ngày đầu tiên đứng trước móng cột 190A với ngổn ngang sắt thép, anh Châu Huy Anh lẩm nhẩm "công việc này mới quá". Lãnh đạo biết anh đọc bản vẽ tốt nên giao anh tư vấn, chỉ chỗ anh em đặt từng thanh sắt, lắp ráp thành bộ khung, sau đó dùng máy tời, máy cẩu đưa khối sắt lên trên cột.
"Người có sức khỏe tốt hơn thì làm việc trên cao, còn lại người đọc bản vẽ, người lắp ráp" - theo anh Huy Anh, việc phân công khoa học giúp cho họ nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ những ngày đầu.
Trên công trường, Truyền tải điện 3 còn có sáng kiến tạo tấm lót trên vai để khi vác sắt nặng, giảm sự cọ sát, gây bầm tím. Đó là sử dụng vải dày được đeo quanh cổ, 2 vị trí cồ vai có lớp bông. "Anh em đi làm nhiều nên kiến nghị cơ quan cấp phát để việc mang vác đỡ bị trầy vai" - anh Trần Văn Minh chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, những khối sắt trên công trường hấp thụ nhiệt và tỏa ra xung quanh. Mồ hôi nối thành ròng, chảy trên gương mặt sạm đen. "Tây Nguyên nắng nhưng có gió, ở đây nắng nóng rất oi" - anh Minh so sánh. Một số vị trí cột nằm trên địa hình ruộng sình, lội đến tận đùi. "Chúng tôi đã dự tính nên khi đi đã dặn anh em mang ủng, sẵn sàng lội ruộng".
Tại vị trí 190A (Thái Bình), anh Nguyễn Thiện Hùng (Công ty Truyền tải điện 4) cho biết, khu vực này mưa sét nhiều. "Khi mưa chúng tôi rút hết vì có sấm sét, mình dựng cột cao nên tránh nguy hiểm cho người lao động". Để thích ứng với thời tiết và vẫn đảm bảo tiến độ, các anh thay đổi giờ làm. Buổi sáng xuất phát từ 5h30, buổi chiều làm từ 14h để kéo dài thời gian nghỉ trưa, tránh nắng và kết thúc muộn hơn, khoảng 19h.
"Có những hôm đang nắng thì mưa giông, anh em tập quen dần và mong rằng không có ai ốm" - Anh Nguyễn Đăng Thông, Chủ tịch Công đoàn, Công ty Truyền tải điện 2 chia sẻ. Lãnh đạo Tổng Công ty đã chỉ đạo công đoàn các cấp quan tâm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Trên công trường luôn trang bị tủ thuốc y tế, cung cấp đủ nước, vitamin C, sữa bánh cho anh em bồi dưỡng giữa buổi.
Lực lượng truyền tải điện tham gia thi công mạch 3 là những kỹ sư, công nhân có trình độ, tay nghề cao và giàu kinh nghiệm. Anh Thông cho biết, có người tháng 8 tới nghỉ hưu những vẫn xung phong đi xây dựng công trình mạch 3. Tinh thần đồng sức, đồng lòng hướng về mạch 3 đã giúp những người lính truyền tải điện vượt qua khó khăn, bất chấp thời tiết và rào cản về khác biệt ăn uống vùng miền. Đây sẽ là chuyến đi công tác xa nhà dài ngày của các anh, dấu ấn của đời lính truyền tải. "Anh em ra đây rất vui vì được lãnh đạo tin tưởng, các tổ chức đoàn thể trong tập đoàn, công ty và chính quyền địa phương quan tâm" - anh Minh (Truyền tải điện 3) chia sẻ. Thứ đi cùng họ luôn là đồ bảo hộ lao động và lòng quyết tâm cao, phấn đấu về đích đúng hẹn./.
Nghe chương trình tại đây: