Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, Hà Nội sẽ thí điểm cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trong khu vực vành đai 1. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị 20 do Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc triển khai các quy định này thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch và phát triển bền vững. Chuyên gia môi trường Hoàng Thành Vĩnh cho rằng đây là một chính sách rất đáng hoan nghênh, sẽ dẫn đến những thay đổi nhiều trong thói quen tiêu dùng.

“Tuy nhiên, sản phẩm thay thế thì phải làm rõ sản phẩm đó là gì? Ví dụ như là một cái cốc giấy, nhưng trong cốc giấy đó lại có một lớp màng bọc làm từ ni lông và làm từ nhựa. Đấy không phải là sự thay thế được 100%, do vậy phải thận trọng đối với cả các sản phẩm thay thế” - Chuyên gia Hoàng Thành Vĩnh lưu ý.

Sản phẩm nhựa dùng một lần là loại chất thải từng âm thầm "gặm nhấm" môi trường sống của chúng ta. Chính vì thế, việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần là một tất yếu. Theo chuyên gia Hoàng Thành Vĩnh, đây không chỉ là cơ hội để Hà Nội hành động và dần thay đổi những thói quen, lối sống của người dân, giúp thành phố trở nên xanh, sạch hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội khác. Ví dụ như các sản phẩm không thân thiện với môi trường sẽ dần dần bị loại bỏ. Đặc biệt là mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho khối lao động xanh, doanh nghiệp xanh.

Với hơn 8 triệu dân và tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang đối mặt với áp lực lớn từ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Chính vì thế việc thí điểm không dùng đồ nhựa một lần tại cửa hàng đồ uống, quán ăn trong vành đai 1 mới chỉ là những bước khởi đầu cho một lộ trình dài hơi, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Thủ đô trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đồng thời khẳng định rằng: Bảo vệ môi trường không phải là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, nhất quán và đầy trách nhiệm.

Chuyên gia môi trường Hoàng Thành Vĩnh cho rằng, chính sách đã có nhưng giám sát và thực thi quy định này cũng cần phải quyết liệt. Đầu tiên phải nâng cao nhận thức cho người sử dụng sản phẩm, từ đó nguồn cầu sẽ giảm, nguồn cung sẽ được bớt đi. Thứ hai là vấn đề về tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong khu vực thực hiện quy định cấm dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh tuyên truyền thì phải có chương trình nêu gương để quảng bá những cơ sở thực hiện tốt chương trình này.

Chính sách thì phải đi đôi với hành động. Không thể dừng lại ở tuyên truyên mà cần phải có những biện pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhà hàng, doanh nghiệp trong việc sử dụng các sản phẩm thay thế hay chuyển đổi sang sản xuất xanh. Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Hoàng Thành Vĩnh, sự thành công của bất kỳ chính sách nào cũng phụ thuộc vào sự đồng lòng của người dân. Chính vì thế, ý thức của người tiêu dùng hết sức quan trọng, người tiêu dùng với lối sống và cách thức tiêu dùng sẽ quyết định rất lớn về sự chuyển đổi từ đồ nhựa sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đề làm được điều này thì cần truyền thông nâng cao nhận thức và đào tạo từ học đường.

Tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống và môi trường là vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế, việc Hà Nội cấm đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, quán cà phê và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần là thông điệp để mỗi địa phương quyết liệt hơn trong cuộc chiến với rác thải nhựa. Đây là một hành trình gian nan nhưng không chỉ góp phần “xanh hóa” Thủ đô mà còn giúp nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của chính chúng ta.