Những năm gần đây, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân. Chỉ ngồi nhà, cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người tiêu dùng cũng có thể “mua cả thế giới”. Có thể khẳng định, thời gian qua, thương mại điện tử đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên kinh tế số hiện nay. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã có 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với con số 30,3 triệu người vào năm 2015, với giá trị mua sắm trực tuyến là 225 USD/người/năm. Mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD/người/năm, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỉ USD. Bên cạnh những mặt tích cực là sự tiện lợi, linh hoạt thì việc mua bán hàng trên không gian mạng cũng bộc lộ những rủi ro nhất định không ít kẻ gian đã trà trộn hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhập lậu….. làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết: Hàng năm, Hội đã tiếp nhận được khoảng 2.000 vụ khiếu nại, trong đó có không ít vụ liên quan đến thương mại điện tử. Chào hàng trên mạng rất long lanh, công bố ở xuất xứ ở những nước có uy tín nhưng thực tế khi nhận được lại là hàng không có nguồn gốc xuất xứ.....

Nhìn nhận vấn đề làm trong sạch sàn thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Cần phải có những giải pháp đồng bộ bao gồm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật cạnh tranh thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và đặc biệt là chống hàng giả, hàng nhái. Thứ hai là cần phát triển dịch vụ và các thông tin về hàng hóa để kiệm định chất lương hàng hóa và đặc biệt là để người tiêu dùng thêm kiến thức, thêm khả năng để tự mình đối phó và tránh cạm bẫy trên môi trường thương mại điện tử. Ngoài ra, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phải thực hiện tốt quy định có liên quan bao gồm cả công bố tiêu chuẩn hàng hóa của mình và thực hiện chính sách hậu mãi để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện tại, việc thực hiện thương mại điện tử được quy định tại Nghị định 52/2013. Đến nay, Nghị định này đã ban hành 07 năm, trước sự phát triển chóng mặt trong thương mại điện tử, văn bản này cần phải bổ sung, cập nhật để quản lý tốt hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không được dễ dãi khi mua hàng qua mạng, cần phải báo cơ quan chức năng khi mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ để "đào tận gốc" những kẻ "treo đầu dê, bán thịt chó".