Sau quá trình 2 năm xây dựng công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, với cách làm bài bản, khoa học và cầu thị, vừa qua, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được công bố lấy ý kiến rộng rãi của người dân cả nước. Trong đó vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, người dân với các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm cao. Đồng thời cũng đặt kỳ vọng, mong muốn, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không giảm nhiệt, tiếp tục tạo dấu ấn với những kết quả tích cực để củng cố niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Những phân tích, bình luận của ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội khóa 14, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam và TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới sẽ góp thêm một góc nhìn khách quan, trực diện trong câu chuyện này.

Với hình ảnh ví von vô cùng ấn tượng, tham nhũng như con đỉa hai vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là pít-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, để ngăn chặn quốc nạn này bên cạnh việc tăng cường kiểm soát quyền lực thì cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ người tố cáo. "Tôi đề nghị cần có cơ chế phối hợp để các cơ quan tham gia phòng, chống tham nhũng có sự liên kết chặt chẽ, tiến hành xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh và đưa ra ánh sáng những phần tử tiêu cực cơ hội, tham nhũng lãng phí. Phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu. Tạo cơ chế để người đứng đầu mạnh dạn làm, thực hiện giám sát, kiểm tra, xử lý đến cùng các hành vi tham nhũng ngay tại đơn vị của mình”, - ông Vũ Trọng Kim nêu quan điểm.

Ghi nhận những kết tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng TS Võ Đại Lược cho rằng vẫn chưa đủ. Theo TS Lược, tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn. Từ những vụ án tham nhũng lớn cho đến các hiện tượng tham nhũng vặt, đâu đâu cũng nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa và cụ thể hơn nữa đi sâu vào các cơ chế, chính sách chứ không phải là chỉ chống bằng bắt giam hay bỏ tù. Đặc biệt từng bước loại bỏ cơ chế xin cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng. Nếu không làm được điều này thì phòng chống tham nhũng mãi mãi chỉ giải quyết hậu quả, chứ chưa triệt được tận gốc của vấn đề.