Từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT của công ty OpenAI đã tạo nên cơn bão trên toàn cầu bởi những gì chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể làm được. Chỉ 5 ngày sau khi xuất hiện, ứng dụng này đạt số lượng người dùng đầy ấn tượng với một triệu thành viên và sau 2 tháng con số này đã là hơn 12 triệu người dùng.

Sức hút của ChatGPT lớn đến mức bỏ xa các “tượng đài công nghệ” trước đó khi Instagram cần 2,5 tháng mới cán mốc 1 triệu người dùng, Spotify là 5 tháng, Dropbox là 7 tháng và Facebook là 10 tháng. ChatGPT đã trở thành một hiện tượng công nghệ phổ biến được nhiều người nhắc tới. Không nằm ngoài xu thế đó, trong thời gian vừa qua, cộng đồng mạng Việt Nam cũng đang lên cơn sốt với ứng dụng ChatGPT. Họ đổ xô đi tìm những trang chia sẻ miễn phí, thậm chí mất phí để được dùng thử siêu trí tuệ nhân tạo này.

Mặc dù mới đây, công ty OpenAI thông báo ChatGPT bản trả phí đã có mặt tại Việt Nam nhưng người dùng trong nước vẫn chưa thanh toán được qua cổng Stripe nên hiện nay, người dùng trong nước vẫn phải vượt tường lửa để kết nối với những VPN, kết nối với những máy tính ở bên Mỹ thì mới sử dụng được. Chính vì thế, đã xuất hiện những phần mềm giả mạo và những đường link có kèm theo mã độc. Nếu người dùng nhấn chuột vào những đường link hay trang web giả mạo đó sẽ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Báo cáo của công ty an ninh mạng Recorded Future cho thấy, chỉ vài ngày sau khi ChatGPT ra mắt đã xuất hiện trên “web đen” những mẫu quảng cáo phần mềm mã độc của những đối tượng lừa đảo, tống tiền. Các chuyên gia bảo mật ở CyberArk còn thử nghiệm khả năng viết mã độc của ChatGPT và thử nghiệm cho thấy, có thể tạo ra một chương trình đa hình có khả năng lẩn tránh và khó phát hiện do sự phát triển về nhận thức ngôn ngữ và khả năng hiểu nhiều tầng của ChatGPT. Điều này đặt ra vấn đề bảo mật an toàn an ninh mạng đối với người dùng Việt Nam.

Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, khối lượng dữ liệu được thu thập của các chatbot như ChatGPT không ngừng tăng lên và các vấn đề về quyền riêng tư, việc sử dụng thông tin cá nhân rất đang lo ngại. Nói điều đó vì điều khoản dịch vụ của công ty tạo ra ChatGPT cho doanh nghiệp này quyền sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào và đầu ra do người dùng và ChatGPT tạo ra. Dù công ty này có hệ thống xóa tất cả các thông tin nhận dạng cá nhân khỏi dữ liệu mà mình sử dụng nhưng gần như không thể xá định và xóa “triệt để” thông tin cá nhân khỏi dữ liệu do chu kỳ cập nhật dữ liệu nhanh chóng của ChatGPT. Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, người dùng internet ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức trong cách sử dụng trên internet.

Mặc dù ChatGPT được xem như là bước tiến ngoạn mục khi có thể tổng hợp dữ liệu với tốc độ tính bằng phần trăm giây trong quá trình “con người hóa” giao tiếp với máy móc nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Nó có thể thay thế con người trong việc tìm kiếm thông tin, viết báo cáo tổng hợp hay viết các văn bản dựa vào năng lực tổng hợp thông tin nhưng không đồng nghĩa với việc ChatGPT có thể sẽ đưa ra các văn bản hay thông tin tốt nều thông tin được yêu cầu nằm ngoài cơ sở dữ liệu mà nó được cung cấp. Vì thế, những yêu cầu mang tính đánh đố, thử sức của cộng đồng mạng trong thời gian gần đây sẽ dẫn đến những câu trả lời thiếu chính xác hoặc ngây ngô.

Câu trả lời của trí tuệ nhân tạo phụ thuộc dữ liệu đầu vào và nguồn thông tin có sẵn trong hệ thống máy tính nên ChatGPT cũng không hoàn toàn chắc chắn về các thông tin trả lời của nó có đúng hay không khi gặp những câu hỏi khó hay mang tính riêng tư. Chính vì thế, với những thông tin được trí tuệ nhân tạo như ChatGPT cung cấp, người dùng internet cần kiểm tra và xác định lại thông tin bằng các nguồn đáng tin cậy. Nhà sáng lập chatbot này là Sam Atlman cũng mong muốn người dùng nên cẩn trọng với những thông tin mà công nghệ trí tuệ nhân tạo cung cấp. Theo Sam Altman, trí tuệ nhân tạo có thể tự học, để sau đó nó trở nên tốt hơn, mỗi năm sẽ tốt hơn một chút, năm sau sẽ tốt hơn năm trước. Điều đó cũng cần người sử dụng luôn thận trọng với các cỗ máy, nhất là khi nó đang ngày càng thông minh hơn. Altman cho biết, lúc đầu sử dụng người dùng sẽ thấy nó rất tuyệt vời, nhưng sau 10 lần, rồi 100 lần sử dụng, sẽ có lúc nó đưa ra kết quả sai. Nếu dữ liệu nạp vào không đúng, kết quả sẽ đưa ra sai - y như những thông tin giả mạo vẫn xuất hiện trên không gian mạng.

Công nghệ luôn có tính hay mặt. Nếu biết lựa chọn những ưu thế thì khả năng tổng hợp dữ liệu của những ứng dụng trí tuệ như ChatGPT sẽ giúp công việc thống kê của con người dễ dàng hơn. Còn nếu không, công cụ này sẽ là thảm họa với con người. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT gợi ý về cách sử dụng những công cụ như ChatGPT, sử dụng những tiện ích và mặt tích cực của chatbot này phục vụ cho cuộc sống của con người, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Việt Nam.

Cũng như bất kỳ công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo, trong tương lai ChatGPT có thể sẽ được cải thiện tốt hơn nhưng điều quan trọng là cách sử dụng và tiếp nhận thông tin của người dùng internet./.