Nghe chương trình tại đây:

5h30 phút sáng, những kỹ sư, công nhân của Công ty Truyền tải điện 3 có mặt tại vị trí 166. Sau khi kiểm tra trang thiết bị, đồ bảo hộ, tất cả xếp hàng ngang và nghe đội trưởng thông báo nhiệm vụ trong ngày.

"Cột đã lắp ráp cao 50m rồi nên trước khi leo cột chúng tôi sẽ kiểm tra huyết áp" - anh Bùi Trọng Phú (Truyền tải điện Đắc Lắc, Công ty Truyền tải điện 3) cho biết.

“An toàn lao động” là cụm từ đã quá quen thuộc với những người lính truyền tải điện, bởi đó là sinh mạng. Thế nhưng, trên công trường đường dây 500kV mạch 3, thời gian thi công dài, tiến độ gấp rút thì hai chữ “an toàn” lại càng không phải khẩu hiệu.

Công việc hàng ngày của họ là vận chuyển thanh trụ điện, lắp ráp theo từng mảng rồi dùng máy tời hoặc máy cầu đưa lên cho anh trên cao lắp vào cột. Anh Phú chia sẻ, thi công sẽ có rủi ro dù ít dù nhiều nhưng các anh luôn cẩn trọng trong từng thao tác để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra. "Mình phòng tránh vì mình đã được học và đào tạo kỹ càng hàng năm rồi" - anh nói.

Rất nhiều người trong số lực lượng được huy động tham gia hỗ trợ dự án đường dây 500kV mạch 3, lần đầu tiên dựng cột 500kV từ gốc đến ngọn. Từ những kỹ sư, công nhân quản lý vận hành lưới điện truyền tải, họ trở thành công nhân xây dựng, cheo leo trên những thân cột cao hơn 50 mét, lắp ráp từng khung sắt, cố định từng ốc vít. Vì vậy, trong tâm thức của anh Trần Văn Minh - Truyền tải điện Buôn Mê Thuột, ngày nào lên cột cũng nhắc nhở chính mình cẩn thận như ngày đầu.

Đeo băng đỏ "An toàn vệ sinh viên", anh Minh vừa làm vừa theo dõi anh em, nhắc nhở đeo bao tay, mũ bảo hộ. Anh cho biết, địa hình ruộng sình lầy, anh em lội đến tận đùi mới vào được vị trí. "Trước khi ra Bắc, chúng tôi đã dự tính trước nên khi đi làm cũng dặn anh em mang ủng theo".

Mỗi ca làm việc đều phân chia thành 2 nhóm: làm việc trên và dưới đất. Ông Nguyễn Đăng Thông - Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải điện 2 cùng lãnh đạo công ty đến công trường kiểm tra hộp y tế, đảm bảo rằng mọi trường hợp khẩn cấp đều có phương án ứng phó kịp thời.

"Có hôm chúng tôi đang làm trời nắng nóng thì tự nhiên lại mưa giông cho nên cũng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Công ty cũng đã chỉ đạo tất cả các nhóm đều phải có trang bị tủ thuốc y tế, gói thuốc y tế tại công trường. Có vitamin C, nước khoáng, sữa để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người lao động" - ông Thông nhấn mạnh "sức khỏe người lao động là quan trọng nhất".

Các nhóm làm việc đều có an toàn vệ sinh viên đeo băng đỏ trên cánh tay. Họ có nhiệm vụ nhắc nhở anh em khi làm việc, từ đồ bảo hộ đến thao tác trên công trường. "Đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu, ra công trường phải đội nón, cài quai, leo cao có dây an toàn 2 móc di chuyển, không được tung ném vật ở trên cao" - Anh Châu Huy Anh - Công ty Truyền tải điện 4 hỗ trợ công tác dựng cột vị trí 190A đã thuộc lòng công tác đảm bảo an toàn lao động trong ngành.

Có những vị trí cột bốn bề là ruộng đồng, để di chuyển vật liệu vào chân cột, họ phải dùng phao và khuân vác bằng sức người. “Ủng hoặc quần áo cao su là vật dụng không thể thiếu của chúng tôi” - ông Đinh Thế Hùng - PGĐ Truyền tải điện Hà Nội thông tin - "Chúng tôi phải tuân thủ phương án thi công đã duyệt. Người làm dưới ruộng lúa, công tác bảo hộ lao động phải ưu tiên hàng đầu bởi có thể gặp mảnh chai, vật sắc nhọn...".

Trong các cuộc họp về dự án đường dây 500k V mạch 3, lãnh đạo Bộ Công thương luôn khẳng định: công trường thi công đang ở trong giai đoạn nước rút; thời tiết khắc nghiệt. Do đó, chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công song hành với việc đảm bảo tiến độ, chất lượng cần đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường, nhất là các vị trí địa hình thi công khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì vậy, tại các tổ nhóm, công tác đảm bảo an toàn lao động được nhắc nhở cẩn trọng trong từng giây phút./.