Chuyển đổi: Dễ hay khó?

Dân số Hà Nội khoảng 10 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển. Vì vậy, việc kiểm soát phương tiện cá nhân gặp nhiều khó khăn.

Các nghiên cứu chỉ ra, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn của nước ta là từ phương tiện giao thông cá nhân. Tại Tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” (ngày 15/8), Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam chỉ ra một trong những bất cập hiện nay là kiểm định khí thải với ô tô nhưng xe máy thì chưa.

"Tôi thấy xe 2 bánh chiếm số lượng lớn nhưng lại chưa có quy định kiểm soát khí thải đối với loại xe này, cũ bao nhiêu vẫn chạy được, khói mù mịt cả đường phố" - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng phát biểu.

Tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng vào những thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông, làm gia tăng các ca nhập viện vì các bệnh liên quan đến Phổi. PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, bày tỏ lo ngại khi Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng ung thư.

Số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 180.400 ca mắc ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó ung thư phổi đứng thứ 2.

"Đó là căn bệnh nan y gây đau đớn cho người bệnh và kéo lùi kinh tế của gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội" - bà An cho rằng, tác động của ô nhiễm không khí không thể đong đếm bằng tiền.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, khí thải từ hoạt động giao thông là là mục tiêu hàng đầu, mà cụ thể là giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu có nguốn gốc hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường.

"Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh là mệnh lệnh của cuộc sống chứ không phải chuyện dễ hay khó, cần hay không cần"- Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng khẳng định.

Tín hiệu tích cực

Hà Nội đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.

Đến tháng 8, thành phố đã có 02 tuyến đường sắt đô thị (tàu điện) đi vào hoạt động, Cách đây gần 3 năm là tuyến Cát Linh- Hà Đông và mới đây là tuyến Nhổn – Ga Hà Nội.

TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến, tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng thông tin tại tọa đàm, thời gian qua 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh. Khi đề án 879 triển khai và đi vào thực tiễn dự kiến một năm có thể giảm 120 nghìn tấn CO2, đây sẽ là là con số rất ấn tượng.

"Chúng ta đã có xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, Thành phố và cả các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô", ông Phương nói.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết chính quyền thành phố luôn ưu tiên đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

"Một trong những nội dung quan trọng mà thành phố cho là cấp bách, đó là xử lý ùn tắc giao thông và ô nhiễm. Chúng ta làm gì, phát triển như thế nào, mục tiêu cuối cùng là người dân. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đang ảnh hưởng đến chất lượng sống, đặc biệt là sức khỏe. Quy hoạch Thủ đô đề cập 4 đột phá nhưng việc cấp bách phải làm ngay chính là việc này".

Ông Hải chỉ đạo cần tính toán cơ chế, nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô; Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ và kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân./.