Việc ứng dụng và tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp thay đổi cách thức vận hành sản xuất, giúp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí. Hiệu quả mang lại khá rõ nét khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số. Rõ nét nhất chính là thông tin nội bộ doanh nghiệp được kết nối hiệu quả giữa các phòng ban trên một hệ thống công nghệ đồng nhất. Nhờ vậy, quá trình sản xuất được vận hành hiệu quả, không gây tắc nghẽn mỗi khi có sự cố phát sinh. Hơn nữa, việc quản lý lượng sản phẩm xuất – nhập, hàng tồn kho hoặc giải quyết những vấn đề xảy ra trong khâu hậu mãi được thông báo kịp thời, không bị ngừng trệ. Chị Nguyễn Thùy Dung, bộ phận kế toán hợp tác xã Vụn Art cho biết từ khi áp dụng chuyển đổi số, công việc của chị thuận tiện và đơn giản hơn, không mất nhiều thời gian.

Chuyển đổi số trong sản xuất ở các doanh nghiệp có sự vận hành và kết hợp hiệu quả giữa con người và máy móc. Nhờ đó nâng cao năng suất và thay đổi đáng kể về độ an toàn, chất lượng và tính bền vững. Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần sự chuyển đổi từ sự vận hành, tiếp nhận thông tin. Chuyển đổi số từ con người, máy móc đến cách vận hành dây chuyền sản xuất trong doanh nghiệp. Trước đây thông tin chính là đầu vào quan trọng còn hiện nay khi tiến hành chuyển đổi số, sự cần thiết của nguồn tư liệu này càng rõ nét hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Việt, chuyên gia chuyển đổi số Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chuyển đổi số, máy móc thiết bị trong doanh nghiệp sẽ vận hành thông minh hơn, từ khâu vận hành đến quá trình kết nối. Để chuyển đổi số hiệu quả thì doanh nghiệp cần có sự thay đổi cách thức quản trị để thích ứng với sự chuyển đổi này. Ông Nguyễn Hoàng Việt phân tích thêm, đối với nhà máy điều quan trọng nhất khi áp dụng chuyển đổi số cần có sự kết nối, kết nối giữa con người với máy móc, giữa máy móc ở các bộ phận khác nhau. Mỗi nhà máy sẽ có một phương thức quản trị khác nhau nên cũng cần những cách thức quản lý chuyển đổi số khác nhau.

Đứng ở góc độ chuyển đổi thực tế trong doanh nghiệp, theo phân tích của ông Hoàng Minh Nghiệp, chuyên gia chuyển đổi số và hiệu suất nhà máy chương trình Samsung/ Bộ Công thương, chuyển đổi số sẽ tốn kém chi phí nhưng khi thực hiện thành công thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí do mọi việc được vận hành tự động hóa và số hóa. Đây là thời điểm, doanh nghiệp không thể chần chừ vì nếu không sẽ mất cơ hội trong sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số chính là cơ hội để kiểm tra và đặt ra lộ trình phù hợp trong doanh nghiệp.

Qua thực tế ở nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng, tính bền vững và độ an toàn của sản xuất – kinh doanh. Từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. "Chúng ta phục vụ chuyển đổi số phải phục vụ cho chính người dân và tần suất sử dụng khi người dân được hưởng lợi từ chính việc đó mới hiệu quả", ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phân tích.

Theo tính toán của các chuyên gia, thị trường chuyển đổi số ngành sản xuất toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2023 đến 2033 đạt 21,2%. Tuy nhiên, đến hiện tại thị trường chuyển đổi số ngành sản xuất toàn cầu đã đạt tốc độ này. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết với mỗi đơn vị trong quá trình sản xuất kinh doanh./.