Trời chưa sáng hẳn, xe vừa dừng ở cửa hàng trên phố Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội, vừa dỡ hàng…, chị Cao Thị Huế, nhà ở Văn Lâm, Hưng Yên vừa phải liên tục trả lời khách hàng trực chờ. Người chục bánh, người cân giò tíu ta tíu tít đủ chuyện từ thời tiết năm nay sẽ thế nào trong mấy ngày tết đến cả việc tranh thủ nhắc nhớ chuyện tết xưa… Chỉ một loáng, các mặt hàng đã về với chủ nhân chuẩn theo đơn đặt, không nhầm lẫn, không sai lệch. Nhẩn nha chỉ đến hơn 9h sáng, cơ bản chị Huế đã có thể dọn dẹp chuẩn bị về chuẩn bị cho mẻ hàng 29, 30 Tết.

Làng chị Huế có từ lâu có nghề làm cơm nắm muối vừng cung cấp cho Hà Nội. Từ những nông sản gần gũi như gạo, lạc, vừng, người dân cần cù, chăm chỉ làm nên món ăn bình dị, dễ ăn. Hồi đầu trong danh sách thực đơn của chị Huế ngoài cơm nắm, muối vừng có thêm khoai lang, ngô luộc theo kiểu mùa nào thức nấy. Ngồi bán hàng ở một địa chỉ, với tính cẩn thận, sạch sẽ và nhớ được khẩu vị từng người, chị Huế dần nhận được sự tin tưởng, gửi gắm của khách quen đặt thêm bánh chưng, giò quê… Vậy là cứ dần dần, chị lo “ăn tết” với tất cả những món truyền thống, cơ bản cho cư dân khu vực ngồi bán hàng.

Hơn chục năm nay, kể từ khi nhận làm bánh chưng, giò chả, xôi tết cho khách quen thì cả gia đình xắn tay vào làm hàng. Năm nào cũng hết sáng 30, hai vợ chồng mới về lo tết nhà được. Tất bật, bận rộn, nhà cửa, tết nhất đều do ông bà ở quê lo hộ nhưng với chị Huế, có những niềm vui từ nghề lo “ăn tết” cho mọi nhà khó đong đếm được:

“Nhờ công việc này mình có tiền nuôi 2 con ăn học, xây cái cửa, sửa cái nhà. Nhìn khách hàng quen thưởng thức món ăn quê mình làm ra rồi khen ngon là vui nhất. Chợ tết bận rộn đông đúc nhưng lúc nào cũng vui”, chị Huế chia sẻ.

Huyền “nem” là cái tên nổi tiếng khu vực dốc Tam Đa, Hoàng Hoa Thám, phố chợ đông đúc bậc nhất khi chen cả chợ cây hoa cảnh. Mười năm trước, khi còn là một BTV truyền hình, chưa khi nào chị Huyền nghĩ mình sẽ có cuộc thay đổi ngoạn mục đến vậy. Có nguồn tôm, bề bề ngon, chị thử làm nem. Công thức cứ căn chỉnh dần để rồi mỗi ngày một hoàn thiện. Những chiếc nem “nhà làm” bằng sự chỉn chu trong nguyên liệu, cách thức và rút kinh nghiệm đã dần chinh phục cũng như mở rộng khách hàng để rồi mỗi ngày chị Huyền nhận đơn vài trăm chiếc, dịp cận tết con số đã lên tới con số hàng nghìn.

“Làm đồ ăn sẵn, đặc biệt là làm nem đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mẩn, tâm huyết và cầu toàn một chút. Như làm nem này, thịt, tôm, mộc nhĩ... gói cả vào trong rồi rán vàng lên, ai biết con tôm miếng thịt có tươi không, ngon không? Nhưng người sành ăn họ sẽ biết và có khi không nói cho mình đâu nhưng chính việc họ trở lại mua hay đặt nem ở lần sau, nhất là dịp làm cơm dâng cúng tổ tiên dịp tết cho thấy khách tin yêu mình", vừa thoăn thoắt gói, chị Huyền vừa chia sẻ chuyện nghề.

Những nghề, những công việc xuất hiện theo một cách tình cờ nhờ việc nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, những người như chị Huế, chị Huyền đều rất nỗ lực trong việc tạo nên những sản phẩm dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu giữ gìn truyền thống trong tết Việt hôm nay.

Người Việt ở nước ngoài sống với nghề làm món ăn truyền thống Việt

Trước khi trở thành những món ăn nổi tiếng thế giới, nhiều món ăn truyền thống Việt Nam đã và đang trở thành nghề nghiệp, công việc lập nghiệp của nhiều người Việt ở nước ngoài. Có thể kể đến như phở, nem rán, bánh chưng, giò chả.

Nhà báo Quỳnh Nga hiện đang sống tại Berlin, Đức từng có những năm dài sinh sống bằng nghề làm giò chả, bánh chưng... cho cộng đồng Việt kiều đông đảo bậc nhất so với nhiều quốc gia có người Việt sinh sống. Hiện khu trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin, Đức tập trung rất nhiều gian hàng của tiểu thương người Việt kinh doanh những món ăn Việt Nam truyền thống. Dịp tết, dù ở Đức vẫn là ngày đi làm bình thường nhưng bà con Việt kiều vẫn duy trì đầy đủ tập tục đón giao thừa với mâm cơm truyền thống có bánh chưng, xôi, giò, nem rán, canh măng... Tất cả đều được chính bà con trong cộng đồng tự tay làm nên bằng sự tài khéo, cần cù và cả tình yêu, nỗi nhớ quê hương.

“Hồi mình mới sang, nói thật là để làm các món ăn truyền thống của mình khá khó khăn vì nguyên liệu không có sẵn và cũng đắt đỏ. Nhưng phải nói người Việt mình rất sáng tạo, thông minh khi biết ứng phó với tình huống thực tế. Ví dụ như không có lá dong gói bánh thì thay bằng lá chuối. Có những dịp tết mình gói cả nghìn cái bánh đều tăm tắp và đặc biệt là tiết kiệm lá tối đa nhưng vẫn đảm bảo bánh đẹp, chắc chắn và giữ nguyên hương vị quê nhà”, nhà báo Quỳnh Nga chia sẻ.

Ở Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam hiện có khoảng 500.000 người. Rất nhiều người trong số đó khởi nghiệp bằng việc mở nhà hàng với những món ăn Việt Nam và có những nhà hàng đã tạo nên được những hương vị riêng tại xứ sở mặt trời mọc.

“Nhiều những món ăn Việt Nam được bạn bè Nhật đón nhận nồng nhiệt như phở, bánh mì, nem, giò chả, những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam và dần trở thành thương hiệu ngay đất bạn”, chị Lê Thương, Phó Chủ tịch người Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ.

Những món ăn được làm nên bởi sự cần cù, chăm chỉ và cũng mang theo cả tình yêu quê hương đã chinh phục khách hàng với những quy chuẩn ẩm thực khắt khe bậc nhất thế giới như Nhật Bản. Ngoài ra, món ăn Việt do người Việt nấu còn phục vụ cho chính Việt kiều trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt dịp tết truyền thống.

“Khoảng 10 năm về trước, việc có được một tấm bánh chưng ngày Tết cổ truyền cho bà con ở Nhật khá khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây, việt Kiều ở Nhật có thể tự sản xuất được giò chả, bánh chưng. Điều này khiến chúng tôi không còn phải trông chờ vào nguồn nhập khẩu và người Việt Nam mình sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã có thể mua được những sản phẩm truyền thống ngày Tết của mình ngay tại Nhật Bản”, chị Thương cho biết.

Nhưng cũng theo chị Lê Thương, thị trường ẩm thực Nhật Bản vô cùng khắt khe, khó tính. Để được thừa nhận và kinh doanh ẩm thực đòi hỏi nhiều quy trình từ chuẩn hóa trong đào tạo đến các nguyên tắc về an toàn thực phẩm. Với những bạn trẻ muốn lập nghiệp bằng những món ăn truyền thống Việt Nam trên đất Nhật, chị Lê Thương cho rằng ngoài đam mê các bạn cần hiểu thêm cả văn hóa của người bản địa để tạo cho mình những quy trình làm việc đạt chuẩn trên nhiều phương diện. Ngoài ra, thị trường tiêu dùng của Việt kiều ở Nhật Bản cũng tạo thêm cơ hội lớn cho các bạn trẻ yêu thích và theo học lĩnh vực ẩm thực truyền thống Việt Nam.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung