Vì sao người tiêu dùng Trung Quốc lại ưa chuộng trái cây Việt?

Những chùm vải vận chuyển bằng thùng lạnh tươi rói, đỏ au được trưng bày và giới thiệu tại Trung tâm triển lãm trái cây thành phố Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc tỏ ra thích thú.

“Vải Việt Nam rất ngon, đây là lần đầu tiên tôi được ăn. Bình thường rất khó mua được ngoài chợ”, vừa bế đứa con nhỏ trên tay, người phụ nữ Trung Quốc này vừa khoe chùm vải mà bà nói là sẽ mang về để cùng gia đình thưởng thức.

Ông Ngụy Đình Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang - cho biết: quả vải Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.

“Vải thiều Bắc Giang được phía bạn đánh giá cao vì là loại quả tương đối đặc sắc, chất lượng vượt trội, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Vải đã vào thị trường Trung Quốc nhiều năm và cơ bản là không có nhược điểm gì, chỉ có điều là trái vải tươi nên bảo quản, vận chuyển hơi khó khăn”, ông Nghĩa nói.

Không chỉ có vải, sầu riêng, xoài, mít, thanh long, chuối của Việt Nam cũng là những loại trái cây được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao và khối lượng nhập khẩu lớn.

Hoa quả Việt cũng được “biến tấu” rất đa dạng khi vào thị trường Trung Quốc. Bà Trương Hinh Văn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nông nghiệp Tuấn Nhất – một doanh nghiệp hàng đầu ở Quảng Tây chuyên sản xuất và xuất khẩu trái cây sấy khô, rau của quả nghiền và nước ép hoa quả - cho biết: hiện công ty đã đưa vào sản xuất 3 dây chuyền hoa quả sấy.

“Việc mở Nhà máy sản xuất tại Bằng Tường là để tận dụng lợi thế gần Việt Nam. Mùa hoa quả chín của Việt Nam khác với Trung Quốc vì vậy, công ty có thể sản xuất trong cả năm với nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành hợp lý”, bà Trương Hinh Văn nói.

Dự kiến trong năm sau Công ty của bà Trương sẽ mở một nhà máy tại tỉnh Bình Thuận để tận dụng hơn nữa những ưu thế từ trái cây Việt.

“Chúng tôi sẽ đặt nhà máy ở Bình Thuận vì hoa quả ở đó có chất lượng cao. Chúng tôi chủ yếu sẽ sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ chanh leo, sầu riêng, xoài. Hoa quả của Việt Nam chất lượng cao lại rẻ, giá nhân công cũng rẻ”, bà Trương Hinh Văn giải thích lý do vì sao chọn Bình Thuận là địa điểm đặt nhà máy.

Bằng Tường được gọi là thủ phủ trái cây của Trung Quốc. Ở đây, những chiếc đèn lầu hình sầu riêng, măng cụt, xoài được treo dọc các tuyến phố. Một bảo tàng trái cây cũng được xây dựng để mọi người thấu hiểu giá trị. Và trái cây Việt Nam khi có mặt tại đây cũng góp một phần không nhỏ tạo nên sự phong phú, chất lượng và sự riêng có của mình.

Nỗ lực để tăng giá trị trái cây Việt tại Trung Quốc

6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của nước ta cao kỷ lục, đạt, 2.75 tỷ đô la Mỹ, gần bằng toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của năm ngoái. Trong đó thị trường đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Trung Quốc.

Hiện đang có 11 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: vải thiều, nhãn, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, chuối chín và chuối tươi, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng và chanh leo. Và để sự hiện diện của trái cây Việt ngày càng thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc hơn, mang lại giá trị cao hơn, đã có nhiều giải pháp từ cả hai phía.

Trung tâm thương mại trái cây Bằng Tường là nơi tập kết toàn bộ trái cây Việt Nam sau khi qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Từ đây, các loại trái cây Việt đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sẽ được vận chuyển đi khắp Trung Quốc.

“Hoa quả chủ yếu là từ Việt Nam như thanh long, xoài, mít được bán trên nền tảng điện tử là chủ yếu. Mỗi ngày Trung tâm thương mại đón từ 200 đến 250 lượt xe. Hoa quả từ xe tải Việt Nam sẽ chuyển sang xe tải Trung Quốc và đều có thiết bị lạnh, chuyển đi khắp nơi Trung Quốc. Có thể chuyển thẳng từ đây sang Tân Cương luôn”, đại diện Trung tâm thương mại trái cây Bằng Tường cho biết.

Ngoài ra, để nâng cao công suất thông quan và tiếp nhận hàng hóa Việt Nam nói chung và hoa quả Việt Nam nói riêng, thành phố Bằng Tường đã triển khai Cửa khẩu thông minh. Đây là Cửa khẩu thông quan tự động và xe tải không người lái, có thể làm việc 24/24 giờ.

Việc tối ưu hóa thời gian, thủ tục thông quan cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội của những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam. Ông Ngụy Đình Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang - cho biết: nỗ lực này cần đến từ cả hai phía. Với Việt Nam, cụ thể là tỉnh Bắc Giang cũng đang rất muốn không chỉ có quả vải mà còn nhiều loại quả, nông sản khác vào được thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết bao bì, ketes nối giới thiệu sản phẩm thông qua các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát. Nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng dẫn doanh nghiệp về các điều kiện của thị trường. Để thực hiện được xuất khẩu thì chúng ta phải tăng quy mô và chất lượng”, ông Ngụy Đình Nghĩa cho biết.

Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang... đều là các địa phương có thể mạnh về các loại trái cây, nông sản. Vì thế, trong các chuyến thăm quan, làm việc tại nước bạn, lãnh đạo các sở ban ngành đều cố gắng tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Như tỉnh Lạng Sơn, thạch đen, hoa hồi đã đến tay người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Hà Xuân Thào – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lạng Sơn – địa phương còn cần phải nâng cấp mẫu mã, bao bì, chất lượng và tăng sản lượng thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường tỷ dân này.

Nghe bài viết tại đây: