Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng cả về cường độ và tần suất. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang là một trong những thách thức lớn nhất để vượt qua sự đói nghèo và bất công, tiềm ẩn những nguy cơ thảm họa toàn cầu. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã kết luận rằng thập kỷ của những năm 2020 sẽ quyết định tương lai của hành tinh. Các nước vẫn có khả năng thực hiện các hành động khí hậu để cho phép ổn định sự nóng lên toàn cầu ở 1,5°C, tránh được tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra thảm khốc và không thể ngăn cản. Bà Eva-Maria Jongen, Trưởng đại diện Tổ chức Bánh mì cho Thế giới Văn phòng khu vực Việt Nam - Lào cho biết, tổ chức này đã đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở thành một ưu tiên chiến lược. Văn phòng đại diện đã hợp tác với các tổ chức đối tác và các bên liên quan xây dựng chiến lược khí hậu với mục tiêu giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có khả năng chống chịu với khí hậu, các-bon thấp với một nền kinh tế thịnh vượng và xã hội công bằng và bình đẳng.

Theo phân tích của bà Eva Maria Jongen, Chiến lược khí hậu phù hợp với Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đóng góp vào Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và chiến lược đạt phát thải ròng bằng 0 nhằm góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong COP 26. Để có thể làm được điều này, theo bà Đặng Thị Hương, Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Việt Nam cần có một cách tiếp cận hệ thống và chủ động hơn hơn về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như dịch bệnh.

Ở những nơi có mật độ dân số đông và chịu nhiều tác động của thiên tai rất cần sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả chung thì cộng đồng doanh nghiệp cần được kết nối để chủ động tương tác với nhau, chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đà Nẵng, điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để nâng cao năng lực thích ứng với sự thay đổi, từ đó tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp “bền vững” trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đến nay, một mạng lưới doanh nghiệp quy mô nhỏ đã thành hình tại một số khu vực chịu tác động nhiều từ thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để có được kết quả trên diện rộng thì ngay mỗi doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức cho người lao động cũng như thay đổi cách hoạt động để thích ứng với biến đổi khí hậu như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Sử, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Nhà thông minh An Giang. Doanh nghiệp này là một trong những đơn vị tích cực trong việc tham gia liên minh chống biến đổi khí hậu bằng những giải pháp thiết thực.

Việt Nam đang tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giảm nhẹ các thách thức về biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền nông nghiệp các-bon thấp, một nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nước ta thực hiện hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi và phát triển hệ sinh thái./.