Bớt lo âu và có thêm hy vọng nhờ công tác xã hội

Anh Nguyễn Văn Kiệt, quê ở Thái Nguyên có em trai là Nguyễn Văn Kiến bị suy thận độ 4, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Bản thân anh Kiến lại là người khuyết tật, bị câm điếc. Anh Kiệt đưa em trai lên Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với tâm trạng đầy lo lắng.

Chị Lý Thị Hạnh, ở xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có con trai bị mắc bệnh u nguyên bào võng mạc hay còn gọi là ung thư mắt. Lạ nước, lạ cái, gia đình lại khó khăn, chị Hạnh vô cùng hoang mang khi lên Hà Nội cùng con chống chọi với bệnh tật.

Anh Nguyễn Văn Kiệt và chị Lý Thị Hạnh là người nhà của 2 trong số rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, ngoài sự tận tâm của các y bác sỹ, các bệnh nhân còn được Ban CTXH của Viện giúp đỡ nhiệt tình, kết nối tìm nguồn tài trợ cũng như được hỗ trợ về tinh thần, qua đó giúp bệnh nhân và người nhà giải toả bớt lo âu căng thẳng và có thêm hy vọng.

“Tôi ở Thái Nguyên xuống đây cũng bỡ ngỡ, các cô nhiệt tình và chu đáo, tận tình với anh em chúng tôi. Em tôi còn được nhận được sự hỗ trợ về kinh tế. Tôi rất chân thành cảm ơn tấm lòng của mọi người quan tâm đến em tôi và gia đình chúng tôi”, anh Văn Kiệt chia sẻ.

“Cán bộ phụ trách công tác xã hội ở Khoa Nhi rất chu đáo và tận tình hướng dẫn như gia đình thuộc hộ nghèo được hỗ trợ những gì. Hai mẹ con như có thêm một động lực để mình có thể đồng hành cùng con và chiến đấu chiến thắng bệnh tật”, chị Hạnh bộc bạch.

Nhân viên CTXH tự hào với công việc mình đã chọn

Công việc hàng ngày là tiếp đón, tư vấn, hướng dẫn, thăm hỏi và tìm hiểu hoàn cảnh của các bệnh nhân để có sự hỗ trợ kịp thời, chị Dương Huyền Trang, nhân viên CTXH đang phụ trách Khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn tìm thấy niềm vui khi được làm công việc đầy ý nghĩa.

“Khi giúp đỡ người bệnh chúng em tự cảm thấy niềm vui. Đấy là niềm đam mê và những người làm việc như chúng em là xuất phát từ cái tâm, vì người bệnh. Sau khi bệnh nhân ra viện, cảm thấy môi trường của bệnh viện rất tin tưởng. Từ đó bệnh tình được điều trị tốt hơn và khi ra viện tất cả bệnh nhân đều nở nụ cười trên môi thì đấy là niềm hạnh phúc của những người làm nghề CTXH như chúng em”, chị Huyền Trang chia sẻ về công việc của mình.

Cũng như chị Dương Huyền Trang, chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, Ban công tác xã hội của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn. Ngày ngày tiếp xúc với bao mảnh đời bất hạnh, cái áp lực lớn nhất của nhân viên CTXH trong bệnh viện là làm sao để cân bằng cảm xúc và làm thế thế nào để hỗ trợ được người bệnh một cách tối đa. Giúp đỡ được các bệnh nhân về mặt tinh thần để giúp họ với đi nỗi đau về bệnh tật và có thêm tinh thần lạc quan, một chút đó thôi cũng khiến chị Lê Quyên hạnh phúc.

Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhân viên công tác xã hội còn giúp họ hồi phục và tái hòa nhập với cộng đồng. Anh Nguyễn Tuấn Anh, cử nhân công tác xã hội, thạc sĩ tâm lý, hiện đang làm việc tại Ban công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ câu chuyện của 1 bệnh nhân đã từng nằm viện và đang gặp vấn đề về tâm lý.

Đó là một bạn trẻ mắc căn bệnh về xương rất phức tạp. Sau khi ra viện bạn ấy vẫn liên hệ với anh Tuấn Anh để nhờ hỗ trợ và tư vấn. Qua đó, anh biết được hoàn cảnh của bạn trẻ rất khó khăn. Bố mẹ ly hôn, sống chung với bố và chị gái không được tâm lý, bản thân bệnh tật không thể đi học nên bạn đó đã có ý định kết thúc cuộc sống và nhờ anh Tuấn Anh thực hiện di nguyện cuối cùng. Khi nhận được tin nhắn của bạn trẻ đó, dù không còn là bệnh nhân tại bệnh viện nhưng anh Tuấn Anh là lập tức gọi điện và tham vấn. Đến nay, bạn trẻ đó đã có những suy nghĩ tích cực hơn.

“Họ vẫn tìm đến mình chứng tỏ là mình đã tạo được uy tín, lòng tin với người bệnh. Họ coi mình như một người bạn, người thân mà họ vẫn có thể chia sẻ mọi thứ”.

Anh Tuấn Anh tâm sự, đối với nhân viên CTXH, mỗi trường hợp tư vấn, trợ giúp thành công chính là những phần thưởng vô giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để anh và các đồng nghiệp của mình nỗ lực hơn nữa trong công việc.

Công tác xã hội – nghề ngày càng phát triển

Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận, Phụ trách Trưởng Ban Công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, xã hội càng phát triển thì nghề công tác xã hội cũng sẽ càng phát triển hơn. Bởi trong một xã hội Internet bùng nổ, con người càng bị stress hơn, càng cần có nhu cầu được hỗ trợ hơn về tâm lý, về tinh thần. Với bệnh nhân, khi ra viện làm sao phải được mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần. “Nghề công tác xã hội sẽ ngày càng phát triển và những đối tượng yếu thế sẽ ngày càng được hỗ trợ tốt hơn và cũng được phục vụ tốt hơn”, ông Tuấn Quận khẳng định.

Để trở thành nhân viên CTXH, bạn cần có 3 tố chất. Thứ nhất là kiến thức, nghiệp vụ về công tác xã hội. Thứ hai là kiến thức xã hội nói chung. Và thứ ba, quan trọng nhất, đó chính là cái “tâm”.

Nếu không có cái “tâm”, gặp một trường hợp khó khăn sẽ dễ bỏ qua, không lao tâm khổ tứ, không dành thời gian công sức. Bên cạnh đó, khi làm nghề công tác xã hội có những vấn đề như hỗ trợ về kinh tế, hỗ trợ về vật chất, nếu như không có cái “tâm”, người ta dễ đặt lợi ích cá nhân hoặc là lợi ích của một nhóm lên trước, lợi ích của người được thụ hưởng xuống sau.

Công tác xã hội trong bệnh viện khi làm tốt sẽ là niềm an ủi cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào tình người, vào tính nhân văn và tốt đẹp của xã hội.

"CTXH chính là cầu nối giữa bệnh nhân với bác sĩ. Có những tâm tư nguyện vọng thầm kín của bệnh nhân và những điều mà người ta không thể nói với bác sĩ vì bác sĩ thì luôn luôn trong trạng thái tất bật. Thông qua CTXH, những tiếng nói của người bệnh đến với chúng tôi một cách rõ ràng nhất và đúng vào những thời điểm thích hợp nhất và từ đấy chúng tôi giải quyết được những khúc mắc của người bệnh, phục vụ người bệnh sẽ tốt hơn rất nhiều. Thực sự chúng tôi phải gửi lời cảm ơn đến các bạn công tác xã hội."

BS Nguyễn Việt Hải, trưởng Khoa Tiết niệu trên thuộc Trung tâm Tiết niệu

và nam khoa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nghe thêm chia sẻ của những người làm nghề CTXH ở đây: