Năm 2017, từ bỏ mức lương kinh doanh 18 triệu đồng/tháng, anh Phan Văn Phương quay về quê ở thôn Hà, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang làm trang trại theo hướng hữu cơ. Bố mất sớm vì bệnh ung thư, bản thân làm nông từ nhỏ, Phương hiểu rõ tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học với đất đai, cây trồng và sức khỏe của chính những người nông dân.

Đầu tư vào vườn cây theo hướng hữu cơ, anh Phương bắt đầu từ việc cải tạo đất. Có những lúc, anh Phương phải mua cả công ten nơ hơn 20 tấn phân trùn quế để bón cho cây. Vốn tích lũy của gia đình không đủ, Phương quyết định vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đến nay, dù chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng sau 6 năm, vườn vải thiều, bưởi, táo, cam đường của anh vẫn xanh tốt, quả căng bóng, hứa hẹn cho sản lượng cao.

Anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn cũng đã lựa chọn hướng đi nông nghiệp hữu cơ cho gia đình mình từ cách đây hơn chục năm. Giờ đây, với 10 ha trang trại trồng bưởi da xanh, dù năm ngoái giá bưởi thấp do ảnh hưởng của dịch Covid -19 song sau khi trừ chi phí, gia đình anh cũng vẫn thu về được 2 tỷ đồng. 12 năm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, anh Hữu cho biết chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, nếu không vay ngân hàng, anh khó có thể đầu tư được diện tích bưởi hữu cơ như vậy. Năm 2011, sau khi quyết định phá bỏ vải thiều chuyển sang bưởi da xanh, anh Hữu đã vay cả tỷ đồng từ Agribank để đầu tư cải tạo đất và cây giống.

Hiện nay, Lục Ngạn có hơn 28.000 héc ta cây ăn quả, trong đó có 17.357 ha là vải thiều, 5.300 ha các loại cây có múi và 1.700 ha táo. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, có tới 75% diện tích vải thiều của huyện đạt tiêu chuẩn VietGap. Từ nay đến 2025 huyện phấn đấu trên 30% diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn GlobalGap để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Theo ông Thi, Agribank là một ngân hàng luôn sát cánh với bà con nông dân ở đây. Ông Hà Duy Tuấn, Phó giám đốc Agribank chi nhánh huyện Lục Ngạn cho biết, 95% nguồn vốn đầu tư của ngân hàng này là dành cho nông nghiệp, nông thôn.

Đánh giá của ông Nguyễn Thế Thi về vai trò của Agribank với sự phát triển kinh tế của địa phương:

Với lợi thế địa phương có vùng cây ăn quả rộng lớn, Agribank chi nhánh Bắc Giang II đã đầu tư nguồn vốn không nhỏ cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, đem lại giá trị gia tăng lớn. Ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Giang II cho biết, tính tới 30/04/2023, tổng dư nợ của chi nhánh đạt 13.704 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 10.369 tỷ đồng, cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 335 tỷ đồng.

Phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thông, PGĐ Agribank Bắc Giang II về hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn:

Hiện nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tới 75,7% trong tổng dư nợ cho vay của toàn Agribank chi nhánh Bắc Giang II.