Những ngày qua, đọc thông tin về trường hợp một người khuyết tật ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị xe buýt từ chối phục vụ, anh Vũ Phong Kỳ - thầy giáo của Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội không khỏi chạnh lòng. Bởi lẽ, anh Kỳ có hoàn cảnh tương tự. Bị bệnh loãng xương, anh không thể đi lại bằng chân, đôi tay cũng yếu do phát triển không bình thường. “Khi lên 10 tuổi, tôi phải ngồi xe lăn, sau đó phải bỏ học giữa chừng”, anh Kỳ kể.

Anh Kỳ cho biết, một trong những nguyên nhân khiến anh phải nghỉ học là “sức ép” về tâm lý từ những ánh mắt tò mò, sự kỳ thị của cộng đồng với anh bởi những khiếm khuyết của đôi chân và hai cánh tay. Nhưng ngay với những người có bản lĩnh, đủ mạnh mẽ, dù vượt qua được rào cản vô hình ấy thì việc đến trường cũng còn nhiều “chông gai”. “Học xong lớp 9, tôi muốn học tiếp lên Trung học phổ thông nhưng không được vì vướng nhiều rào cản. Bây giờ người khuyết tật được quan tâm hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận về giáo dục, công trình công cộng, hạ tầng giao thông. Chẳng hạn, nhiều khi tôi muốn đến một tòa nhà nhưng không thể vào vì không có lối đi riêng cho người khuyết tật, dù nhìn tòa nhà đó rất đẹp”, anh Kỳ chia sẻ.

Mất đi ánh sáng của đôi mắt, em Bùi Quang Khánh, học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, TP. Hải Phòng gặp không ít trở ngại trên hành trình đi tìm ánh sáng của tri thức. Có thể kể đến là việc tìm nơi học dành cho người khiếm thị. “Trên đường đi tìm ánh sáng tri thức, người khiếm thị bị một số trường nói rằng chưa đủ kỹ năng, phương tiện để giảng dạy. Chính vì vậy, nhà trường không tiếp nhận các bạn khuyết tật”, Khánh bộc bạch.

Khánh may mắn được cả bố và mẹ yêu thương, đồng hành, hỗ trợ trong cuộc sống và định hướng phát triển tương lai. Cuối cùng em đã tìm được một nơi học tập phù hợp. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại. Dù gia đình có kiều kiện về kinh tế, đủ khả năng chi trả nhưng vẫn có những thời điểm em thiếu sách và trang thiết bị học tập dành riêng cho người khiếm thị. Hiện tại, em và các bạn cùng cảnh ngộ cũng vẫn phải “học chay” do chưa có sách giáo khoa dành cho đối tượng học sinh khiếm thị. “Những bạn học sinh khiếm thị đang ngồi trên ghế nhà trường chúng em đang phải đối mặt với việc thiếu sách giáo khoa, thiếu sách bổ trợ bằng chữ nổi. Sách giáo khoa các cấp học như lớp 1, lớp 2 hay lớp 6, lớp 7… theo chương trình mới của Bộ Giáo dục chưa được in ra chữ nổi hoặc chuyển đổi thành những định dạng dễ tiếp cận nên chúng cháu chưa có sách học”, Khánh cho biết.

Với người khiếm thính cũng vậy, họ gặp rất nhiều trở ngại trên con đường học tập, phát triển bản thân. Bởi lẽ, phương tiện duy nhất để họ có thể tiếp cận được thông tin của xã hội, tri thức của nhân loại và giao tiếp với cộng đồng là ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giáo dục hiện không hỗ trợ giảng dạy người điếc bằng ngôn ngữ ký hiệu. Người điếc khi muốn giao tiếp với cộng đồng thường phải thuê phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu với giá khoảng 200.000 đồng/giờ. Thế nhưng, việc thuê phiên dịch viên cũng không dễ. Theo một Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa của người điếc, tính đến hết năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 30 phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Đề cập vấn đề này, anh Lê Văn Ánh - một người điếc ở Hà Nội chia sẻ: “Mọi người nghĩ người khiếm thính có thể giao tiếp bằng giấy nhưng thực tế không phải vậy. Ngôn ngữ của chúng tôi là ngôn ngữ ký hiệu. Như trên truyền hình, nếu không có người dẫn bằng ngôn ngữ ký hiệu, người điếc chúng tôi không thể hiểu cái gì đang diễn ra”.

Những năm qua, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ người khuyết tật. Minh chứng là việc cho ra đời Luật người khuyết tật hay thông qua Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Chính phủ cũng đã có hẳn một Đề án Quốc gia trợ giúp người khuyết tật. Song, rõ ràng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách khiến người khuyết tật - đối tượng vốn đã khó khăn vẫn gặp nhiều trở ngại trên con đường hòa nhập cộng đồng, phát triển bản thân.

Nghe bài viết dưới đây: