Những ngày gần đây, khi có thông tin nhóm nhạc Blackpink của Hàn Quốc sẽ tổ chức sự kiện âm nhạc tại thành phố Hà Nội vào cuối tháng 7 này, nhiều bạn trẻ háo hức lên kế hoạch gặp thần tượng dù mỗi tấm vé vào cửa có giá đắt đỏ, thấp nhất là hơn 1 triệu đồng, cao nhất lên tới gần 10 triệu đồng. Hiện khá nhiều trang mạng đã tạo nên những diễn đàn sôi nổi trao đổi về việc mua bán vé của BlackPink, thu hút hàng nghìn thành viên, nhóm đông nhất có đến 163.000 người. Thậm chí có trang rao tới vài chục triệu đồng/tấm vé.

Không chỉ bây giờ mà đã từ lâu, giới trẻ có xu hướng “cuồng" thần tượng hoặc “đu” idol vì đam mê, xem nó như một hình thức thư giãn, giải trí. Minh Đức 28 tuổi, độc thân, hiện đang làm nhân viên bán hàng ở một doanh nghiệp tư nhân là một trong những “fan cuồng” của Blackpink. Khi nghe tin “thần tượng” đến Việt Nam biểu diễn, anh mừng như “bắt được vàng”. Mức lương có hạn, hết tháng là hết tiền, chẳng bao giờ Đức dư dả, trong khi đó giá vé lại khá cao và khan hiếm. Để thỏa mãn đam mê, Đức sẵn sàng dốc hết “hầu bao”, thậm chí là vay bạn bè, người thân để một lần “chơi lớn” với suy nghĩ“Cơ hội có một không hai, tốn bao nhiêu tiền cũng đi xem thần tượng, không có tiền thì vay bạn bè, người thân”.

Không chỉ lo tiền vé, khán giả tham gia cũng cần phải có phụ kiện đi kèm với cái giá lên tới cả triệu đồng cho 1 que phát ánh sáng hoặc ảnh của “thần tượng”. Vậy nhưng không ít bạn trẻ vẫn sẵn sàng chi tiền để được vào sân, hò hét, nhảy múa, ca hát…. Để chiều theo sở thích của con, có những phụ huynh đã “trao giải”, tạo điều kiện để con được gặp thần tượng của mình như một cách động viên con phấn đấu trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Thanh Niên – Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phân tích: Không chỉ đơn thuần là hoạt động thư giản, giải trí mà câu chuyện “cuồng” thần tượng thế hệ ngày nay còn biểu hiện về tâm lý, tình cảm, nhận thức, hành vi, ứng xử… của giới trẻ ở nhiều cấp độ trong các bối cảnh khác nhau. Thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam cho rằng việc chạy đua theo những thần tượng Hàn Quốc là cách để thể hiện bản thân và cho rằng những ai không theo trào lưu này là quê mùa và không nhạy bén với thời cuộc. Bên cạnh những bạn trẻ thực sự đam mê còn có những người "thể hiện đẳng cấp" khi tham gia show diễn của "idol" bởi theo ông Linh, "chỉ cần khoe chiếc vé, chụp ảnh dưới sân khấu biểu diễn của "người nổi tiếng", các bạn trẻ tự coi mình là người "biết chơi", hơn hẳn những bạn khác".

Việc chi cả chục triệu đồng để “đu” idol ở giới trẻ là đề tài gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng những người “đu” idol chính là “fan cuồng”, độc hại, lãng phí tiền của, chỉ chạy theo trào lưu, thấy mọi người mua món gì “hot” cũng đòi mua giống vậy chứ chưa hẳn đã là thần tượng đúng nghĩa.

Cách đây chục năm, nhiều người đã cảm thấy rất sốc khi một nhóm bạn trẻ quỳ xuống và hôn chiếc ghế mà ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Việc tôn thờ hay ngưỡng mộ ai đó không phải là xấu, thế nhưng nó lại là không tốt khi chỉ vì thần tượng mà đã xảy ra những chuyện trái pháp luật, trái đạo đức. Thực tế đã có những cuộc ẩu đả, vi phạm pháp luật giữa 2 phe, một bên là ủng hộ và một bên là nói xấu thần tượng của mình.

Nhìn nhận trào lưu “cuồng” thần tượng, chuyên gia tâm lý Phạm Thái Liên - Văn phòng tư vấn Linh Tâm cho rằng: “Có người hâm mộ quá mức mà không đạt được khiến tinh thần suy sụp, dẫn đến nhiều điều khác nhau, khiến họ cho rằng mình không còn giá trị trong cuộc sống. Khi sụp đổ thần tượng khiến họ không có hướng giải quyết tích cực mà tìm đến cách giải quyết tiêu cực”.

Đối với người trẻ, việc chọn ai đó làm thần tượng rất quan trọng. Bởi, nếu thần tượng ấy có giá trị sống tốt, có hình ảnh đẹp lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực trong xã hội thì bạn trẻ cũng học được những điều tích cực, có động lực để trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng, nếu chỉ chọn thần tượng theo số đông, theo phong trào, theo cảm xúc nhất thời mà không có sự phân biệt, tỉnh táo của lý trí, rất có thể bạn trẻ phải trả giá đắt khi chạy theo, bắt chước những hành động tiêu cực của người mà mình hâm mộ.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Thanh Niên tại đây: