Với hơn 95% vị trí cột đi qua các huyện Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu và Tân Lạc (Hòa Bình) đều nằm ở các đỉnh, sườn núi, đồi cao, thảm thực vật dày nên ngoài nguy cơ xảy ra cháy vào mùa nắng còn dễ bị sạt lở vào mùa mưa bão. Riêng địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 37 vị trí cột đường dây 500kV cả hai mạch, 54 vị trí cột đường dây 220kV đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn, trong đó cột số 344 là một trong những vị trí có nguy cơ sạt lở do nằm trên triền núi cao.

Anh Nguyễn Văn Tường - Đội truyền tải Điện Mai Châu - Truyền tải Điện Hòa Bình cho biết, mặc dù vị trí không thuận lợi nhưng những người lính truyền tải vẫn thường xuyên phải đi tuyến để đảm bảo an toàn lưới điện. Vào mùa mưa lũ, nước chảy xiết, bên dưới là đá trơn trượt rất khó đi và nguy hiểm. Ngoài ra, mọi người luôn phải đối mặt với côn trùng, rắn và vắt. Nhiều anh em từ trên cột xuống về đến đội nghỉ ca mới biết đã bị vắt cắn đầy chân. Dù sử dụng nhiều biện pháp như thuốc, dùng muối ớt sát vào giầy, ủng nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào…

Công việc của những người lính truyền tải điện vốn dĩ đã vất vả nhưng vào mùa mưa lũ nhiệm vụ càng vất vả bội phần. Nhớ lại thời điểm năm 2019, do mưa lớn, đoạn đường gần thủy điện So Lo đất đá trên đồi sạt xuống đường, gây chia cắt. Dù chỉ còn 5km là đến vị trí, nhưng các anh buộc phải đi vòng với quãng đường tăng lên gần 100km mới có thể tiếp cận được. “Những lúc đi tuyến vào trời mưa, đi đến đâu là bùn đất dính đến đấy, bước không nổi, ăn uống không đúng giờ, nhiều hôm phải ăn tạm ngay tại cột để còn kịp làm việc. Nhiều lúc cũng oải nhưng vì dòng điện vẫn phải cố vượt qua khó khăn để dòng điện được truyển tải an toàn và liên tục”- anh Đỗ Ngọc Minh trải lòng.

Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão, Đội truyền tải điện Mai Châu thường lên kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên theo tuần, theo tháng đến từng vị trí chân cột kiểm tra, phát quang những thảm cây, dây leo gây nguy hại cho đường dây. Nhiều cột do nằm ở vị trí núi cao, độ dốc lớn nên để đến được cũng phải mất nửa ngày trời mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trước mùa mưa bão, Đội truyền tải điện Mai Châu thường tổ chức kiểm tra những vị trí xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn cho công trình, đặc biệt là các vị trí đi qua khu vực độ dốc lớn, sát vực sâu, có dòng chảy hướng vào chân cột. Bên cạnh đó, Đội cũng chủ động trong việc xây dựng tường chắn không cho dòng nước mưa chảy hướng vào cột; phát quang hành lang, chặt tỉa cây cao. Theo anh Bùi Ngọc Anh - công nhân thuộc Đội Truyền tải điện Mai Châu, khi thực hiện phát tỉa cây trong hành lang lưới điện nhiều hộ dân tỏ ý không muốn hợp tác, do vậy những người lính truyền tải lại phải kiêm thêm nhiệm vụ của những tuyên truyền viên.

Mùa mưa bão, chỉ một sơ suất rất nhỏ cũng có thể dẫn đến móng cột bị sạt lở làm nghiêng, đổ cột, dẫn đến những hậu quả khôn lường cả về người và tài sản. Đặc biệt, sạt lở đất gây nghiêng đổ cột là sự cố dễ xảy ra, nhưng thường khó xử lý và chi phí rất lớn, thời gian khắc phục kéo dài. Vì vậy, lãnh đạo Truyền tải điện Hòa Bình luôn tập trung triển khai công tác phòng chống bão lụt với những phương án cụ thể, trong đó ưu tiên hàng đầu là đến các vị trí móng cột trên núi, đồi và các khu vực có dòng nước chảy qua. Ngoài ra, theo định kỳ, đơn vị tập trung khảo sát, đánh giá tình trạng móng cột, khả năng ổn định của nền đất khu vực để có những biện pháp phòng chống như xây kè móng, làm mương thoát nước, nắn dòng chảy không để các dòng nước chảy trực tiếp vào khu vực móng cột.

Do chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố nên những năm qua, hệ thống lưới điện cao áp đi qua huyện Mai Châu chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng gây mất an ninh, an toàn lưới điện. Ông Phan Đông Minh - Phó giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình cho biết.

Mặc dù thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng bằng sự chủ động và tích cực trong công tác, Đội Truyền tải điện Mai Châu – Truyền tải điện Hòa Bình trong nhiều năm liền đã góp phần đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện phục vụ đời sống, an ninh, quốc phòng; cung cấp điện liên tục, ổn định cho các vùng lân cận./.