Phát biểu thảo luận tại phiên làm việc của Quốc hội mới đây về dự án Luật Cán bộ công chức sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây sẽ có nhiều thay đổi trong việc xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, theo đó, sẽ áp dụng đánh giá công chức theo KPI (chỉ số đo lường hiệu suất làm việc). Thông tin này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo người dân.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa XIII, việc áp dụng KPI góp phần đánh giá chính xác hơn hiệu quả làm việc của các cán bộ, công chức nhà nước khi mọi việc được minh bạch hơn, chính xác hơn, việc đánh giá chất lượng cán bộ được lượng hóa chứ không còn cảm tính, chung chung như hiện nay.
Tuy nhiên, KPI chỉ là công cụ nên sẽ phụ thuộc vào nhiều tình huống, điều kiện làm việc. Ví dụ có những sản phẩm của công chức có thể đánh giá ngay được hiệu quả hoặc hệ lụy, nhưng có những sản phẩm không thể đánh giá luôn được mà phải sau một thời gian áp dụng. Như vậy, phải tùy vào điều kiện cụ thể của từng vị trí, việc làm để xác lập các chỉ số đo lường phù hợp. Từ đó, việc đánh giá năng lực cán bộ có thể tránh được việc "chạy" KPI hình thức, đối phó.

Nếu doanh nghiệp dùng KPI để đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên, thì cơ quan công quyền cũng có thể làm như vậy. Mỗi cán bộ có chỉ tiêu rõ ràng, có giám sát minh bạch, thì sẽ không còn tình trạng làm việc đối phó, thiếu trách nhiệm. Trong bộ máy hành chính, nếu một lãnh đạo không đưa ra được chính sách hiệu quả, để tình trạng trì trệ kéo dài, thì phải có cơ chế loại bỏ họ khỏi hệ thống quản lý.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, có thể tách rõ KPI "bắt buộc" và "đổi mới sáng tạo", nghĩa là cán bộ không chỉ cần làm đúng mà còn phải làm tốt, sáng tạo. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần gắn KPI với đánh giá cuối năm, khen thưởng và kỷ luật rõ ràng; tăng cường công nghệ thông tin để theo dõi tự động và minh bạch hóa dữ liệu KPI
Một hệ thống KPI công bằng và minh bạch sẽ tạo động lực cho người làm tốt, là cơ sở thu hút nhân tài vào khu vực công, góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân.
Tỉnh Khánh Hòa là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) đối với cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, việc triển khai bộ công cụ KPI sẽ nhận diện được, đo lường được năng suất, chất lượng, hiệu quả của mỗi cán bộ theo từng ngày, tháng, quý, năm. Là cơ sở để xác định biên chế cần thiết cho từng cơ quan, qua đó, điều động cán bộ từ các cơ quan, đơn vị đang thừa sang đơn vị thiếu. Đồng thời, chỉ ra những cán bộ có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, từ đó, sẽ có chính sách tinh giản biên chế đối với các cán bộ này.