Nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc thay đổi thói quen đi lại của người dân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa quyết định sẽ triển khai gần 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng. Đây là một phần kế hoạch của dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận của Hà Nội. Trước mắt, dự án sẽ bố trí các điểm thuê xe tại 7 quận, gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy. Tại 2 quận Hà Đông và Hoàng Mai, Sở Giao thông vận tải đang thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm còn lại.

Các điểm cho thuê xe đều được bố trí theo hướng ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…

Xe cho thuê gồm 2 loại là xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Dự kiến, giá cho thuê cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Giá thuê cả ngày là 60.000 đồng/xe với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện.

Theo chị Nguyễn Bảo Minh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho thuê xe đạp không phải là loại hình dịch vụ mới. Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt hàng trăm điểm cho thuê xe sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ. “Tôi thấy ở khu vực Hồ Tây có dịch vụ cho thuê xe đạp từ nhiều năm nay rồi. Ở khu phố cổ, gần Hồ Hoàn Kiếm cũng có dịch vụ này. Tuy nhiên, đây là hoạt động tự phát vì mục đích kinh doanh là chính. Còn mục đích của người thuê là để đi tham quan, giải trí. Còn dự án cho thuê xe đạp của Hà Nội, mục đích sâu xa là để hạn chế khí thải ra môi trường thông qua việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay cho xe máy, tôi nghĩ sẽ được người dân hào hứng đón nhận. Tôi hy vọng, việc đạp xe sẽ dần trở thành thói quen của dân đô thị bởi đây là lối sống lành mạnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa là cách để tập thể dục mỗi ngày”, chị Minh chia sẻ.

Khi biết Hà Nội sẽ triển khai hàng trăm trạm cho thuê xe đạp, anh Nguyễn Tuấn Đức, ở quận Hoàn Kiếm cũng cho rằng đây là ý tưởng hay. “Thỉnh thoảng tôi có thuê xe đạp ở khu vực Hồ Tây, vừa thể dục vừa ngắm cảnh. Nếu dự án cho thuê đạp của Hà Nội được triển khai đúng như thông tin công bố, tôi nghĩ sẽ được người dân ủng hộ, bởi đạp xe cũng là cách để rèn luyện sức khỏe, nhất là với những người làm việc văn phòng”, anh Đức bày tỏ.

Anh Nguyễn Ngọc Bình, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng cho rằng chi phí để sở hữu một chiếc xe đạp không lớn nhưng lợi ích mà nó mang lại thì không hề nhỏ. Không chỉ góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường, đạp xe còn giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh hơn. Chính vì thế, hơn 3 năm nay, anh Bình đã từ bỏ xe máy để đạp xe đi làm mỗi ngày. “Nhà tôi cách chỗ làm hơn 12 km. Tức là mỗi ngày, tôi đạp xe khoảng 25 km nếu tính cả lượt đi và về. Từ khi có thói quen đạp xe, tôi thấy sức bền của mình tăng lên, làm việc tập trung hơn”, anh Bình chia sẻ.

Anh Bình cho biết, với thực trạng giao thông hiện nay ở Hà Nội, thời gian di chuyển bằng xe đạp và xe máy trên cùng một cung đường chênh lệch nhau không đáng kể. Bởi việc sử dụng xe đạp có những ưu điểm vượt trội so với xe máy hay ô tô. “Tôi đi xe đạp, đến những đoạn đường tắc, tôi có thể bê xe lên và len lỏi đi qua, luồn lách dễ dàng hơn”, anh Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Bình, với những người đạp xe đi làm cũng có những điều bất tiện. Chính quyền thành phố Hà Nội cần sớm khắc phục nếu muốn triển khai thành công dự án cho thuê xe đạp. “Hiện tại, tôi đến các bãi trông giữ xe, họ không nhận trông xe đạp. Họ bảo xe đạp dù có khóa bánh thì trộm vẫn bê cả xe đi nên họ không nhận. Thứ nữa, vào mùa hè, khi đạp xe đến công sở, người thường ướt đẫm mồ hôi. Hà Nội lại chưa có nhà tắm công cộng để người đạp xe có thể vào vệ sinh cá nhân và thay đồ trước khi vào công sở. Tôi mong Hà Nội sẽ quan tâm, khắc phục những bất tiện này, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng xe đạp”, anh Bình đề xuất.

Nghe bài viết dưới đây: