Chiều 04/01, tại phiên thảo luận tại tổ (Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV) về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin nhanh về tình hình thu, chi ngân sách năm 2021.
Nhìn lại năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là một năm cực kỳ khó khăn cho nền kinh tế khi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến các tỉnh, thành phố mất gần 8 tháng để chống chọi. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, kết quả tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,59%.
Đặc biệt, thu ngân sách năm 2021 đạt 1,5 triệu tỷ đồng (vượt 16,4% so với kế hoạch được giao).
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt trên 4 tỷ USD. Thu thuế xuất nhập khẩu đạt 378.000 nghìn tỷ đồng, vượt 20,5% so với dự toán quốc hội giao.
“Đây là một kỳ tích và một sự rất nỗ lực rất lớn trong quá trình điều hành phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2021 cũng là năm thị trường chứng khoán có sức bật tốt và là một kênh huy động vốn hiệu quả. Quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện nay là 7,77 triệu tỷ đồng (tăng 46,8% so với năm 2020), thu ngân sách thị trường chứng khoán đạt 11.000 tỷ đồng.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, năm 2021 đã huy động được 155.588 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đang tồn tại lỗ hổng khi một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp những vẫn phát hành làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư khác.
“Vấn đề này, dù đã được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và có những cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng xong vẫn xảy ra. Có ngày đã phải chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Ông Phớc cũng cho hay, có trường hợp, vốn vay trên chủ sở hữu gấp nhiều lần nhưng vẫn phát hành trái phiếu doánh nghiệp để lấy tiền về buôn bán bất động sản… Vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm là một điển hình đối với việc làm nhiễu loạn thị trường.
“Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ-trái tim của thành phố cũng chỉ có giá trung bình 1,5 tỷ đồng/m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực hạ tầng mới, còn hoang vắng mà 2,4 tỷ/m2 là không phù hợp, giá không thực. Xem họ có thực hiện đúng ký kết trúng giá hay không hay lại bỏ cọc. Tuy nhiên, thị trường bất động sản tăng đột biến gấp 3-4 lần thì rõ ràng là bất thường, phải thanh tra, kiểm tra mới rõ được”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Phân tích ý nghĩa của gói phục hồi, phát triển kinh tế với quy mô gần 350 nghìn tỷ vừa được Chính phủ trình Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là điều vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước vừa chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.
Ông Phớc ví nền kinh tế vừa trải qua cơn “đau ốm” rất cần một nguồn lực mạnh để sức khỏe được vực dậy.
Theo Tờ trình của Chính phủ, chương trình gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng quy mô cho các nhiệm vụ giải pháp này khoảng gần 350 nghìn tỷ đồng.
Một trong những điểm nhấn của gói phục hồi, phát triển kinh tế theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã mạnh dạn giảm thuế cho doanh nghiệp. Ví dụ, năm 2021, giảm 21.500 tỉ đồng nhưng năm 2022 dự kiến giảm thuế cho doanh nghiệp khoảng 64.000 tỉ đồng (gấp 3 lần năm 2021).
Thứ hai, chi cho hỗ trợ thuê nhà cho người lao động động là 6,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ chi phí doanh nghiệp khoảng 6000 tỷ đồng bằng cách giảm thuế; bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm; cho học sinh-sinh viên vay; phát triển KT-XH miền núi... những chính sách này khoảng 38.400 tỉ đồng.