Theo các chuyên gia đường bộ, với tiến độ như hiên nay, dự kiến trước 15/11 sẽ cắm xong 3.000 mốc giới của dự án vành đai 4 đi qua Hà Nội. Thời điểm hiện đã có 2.000/3.000 mốc giới thuộc dự án vành đai 4 (đoạn đi qua Hà Nội) được cắm. Đây là một hạng mục quan trọng quyết định đến tiên độ của dự án trong tương lai. Liên quan đến công tác khảo sát địa hình, địa chất, ông Võ Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm chiến lược cơ bản (Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI) cho biết, đơn vị đã huy động 12 mũi triển khai trên toàn dự án, đảm bảo sẽ đáp ứng được đúng tiến độ theo yêu cầu. Số liệu đo đạc sẽ được bàn giao cho các địa phương cắm cọc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp cho các bên thiết kế, đảm bảo tiến độ thành phố đề ra.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có cả hệ thống đường sắt tương lai chạy song song, các tuyến quy hoạch đường sắt cắt ngang, quy hoạch đường bộ cắt ngang các cao tốc hướng tâm. Chính vì vậy, công tác khảo sát địa chất cần độ chính xác cao. Để đảm bảo tính chính xác cao cho việc cắm mốc, đơn vị sử dụng hệ thống máy bay không người lái, đo chiếu, chụp và xác định tọa độ rõ ràng, sau đó ghi chép, báo cáo đầy đủ để có được tổng thể bản vẽ cắm mốc giới đầy đủ và chi tiết nhất.

Ông Lê Văn Măng, chuyên viên của Phòng quản lý 2 (BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Phòng quản lý Dự án đã cắm mốc giới và bàn giao cho các địa phương, trừ huyện Đan Phượng

“Vì chỉ giới đỏ vừa mới được phê duyệt hiện vẫn chưa nhận được chỉ giới xác nhận của Sở Tài nguyên -Môi trường đối với 2 phạm vi còn lại là của huyện Đan Phượng, từ Quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà và từ quốc lộ 1 đến cầu Mễ Sở”- ông Lê Văn Măng cho biết nguyên nhân.

Trước đó TP. Hà Nội thống nhất tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên thành 4 đoạn. Đoạn 1, từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 dài khoảng 11 km, đoạn 2, từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 khoảng 9,6 km, đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài khoảng 17,77 km,và đoạn 4, từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km.

“Hiện nay, các tỉnh từ phía Nam muốn đến được các tỉnh phía Bắc sẽ phải đi qua cầu Thanh Trì – Hà Nội; hoặc ngay cả khi muốn đến với một tỉnh giáp ranh là Bắc Ninh thì khoảng cách di chuyển từ Hà Nội cũng khoảng 60 phút. Đó là tôi đang tính quãng đường suôn sẻ, không có ùn tắc. Tuy nhiên nếu dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô đi vào vận hành thì quãng đường sẽ rút ngắn lại, thậm chí chỉ mất khoảng 2 phút qua cầu Mễ Sở là có thể nối trực tiếp từ Hà Nội sang Hưng Yên mà không phải đợi phà hoặc qua cầu Vĩnh Tuy hay Yên Lệnh”- ông Lê Tuấn Tú, Phó phòng quản lý công trinh giao thông Hà Nội đánh giá.

Đường vành đai 4 đi qua 3 địa phương bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, Hà Nội là địa phương có chiều dài lớn nhất tuyến với 58,2km. Đến thời điểm này, Hà Nội đang rốt ráo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cũng như tiến hành khảo sát cắm mốc giới trên tuyến đường vành đai 4 đi qua và dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc vào ngày 15/11 sắp tới./.