Vào mỗi ngày thứ 3 hàng tuần, Tùng ở Linh Đàm, Hà Nội lại có một buổi học nhẩy aerobic với thầy giáo để tăng vận động dành cho trẻ tự kỷ. Đối với những người bình thường, thực hiện động tác nhấc chân, vươn vai khi tập aerobic là điều không khó nhưng với những trẻ mắc tự kỷ, rối loạn trí tuệ là cả một quá trình tập luyện, nỗ lực. Thầy giáo Nguyễn Minh Trí, giáo viên âm nhạc đã nhiều năm gắn bó với người tự kỷ nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng cho biết, làm việc với trẻ tự kỷ là cả quá trình dài, phải dần từng bước. Thời gian vận động phải tùy vào thể trạng và cảm xúc từng bạn và từng thời điểm. Có những em thể lực yếu, bệnh nặng sẽ tập ít hơn, bạn nào vui vẻ bắt kịp bài tập tốt hơn.

Để có thể dạy trẻ tự kỷ, những người như thầy Trí cần phải có sự kiên nhẫn và đặc biệt là tấm lòng yêu thương trẻ. Theo kinh nghiệm đã nhiều năm gắn bó với trẻ tự kỷ, thầy giáo Nguyễn Minh Trí cho biết, có những đứa trẻ mặc dù rất tăng động, không kiểm soát được hành vi nhưng các em lại có năng khiếu âm nhạc rất tốt, thậm chí cảm thụ âm nhạc của nhiều em rất đặc biệt. Gắn bó với công việc này đã 3 năm, với thầy Trí có lẽ là cơ duyên bởi thầy theo chuyên ngành âm nhạc nhưng muốn giúp đỡ, hỗ trợ cho các bạn tự kỷ. Vì thế, dù rất khó khăn trong việc hướng dẫn âm nhạc cho các em nhưng thầy vẫn quyết tâm đến cùng.

Còn với cô giáo Nguyễn Thanh Thúy giáo viên dạy nghề tại trung tâm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ thì nghề đã chọn người kể từ khi cô bước chân vào đây. Theo học ngành sư phạm văn để trở thành giáo viên dạy văn cấp 2 nhưng khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ, cô giáo Thúy cảm thấy muốn gắn bó với các bạn có hoàn cảnh đặc biệt này. Sau một thời gian tự tìm hiểu về trẻ tự kỷ cùng với quá trình rèn luyện bản thân, cô Thúy dường như trở thành người mẹ thứ hai của lũ trẻ. “Có lúc phải làm bạn với các bạn ấy nữa. Khi mà các bạn ấy chơi đóng kịch thì mình hóa thân vào nhân vật trong vở kịch, khi các bạn ấy múa hát, chơi những trò chơi dân gian mình cũng phải sẵn sàng lăn xả chơi cùng. Ở cương vị của người giáo viên thì tôi nghĩ cần sự kiên nhẫn hơn rất nhiều so với dạy phổ thông vì các bạn ấy ghi nhớ chậm và kém hơn”- Cô Thúy bày tỏ.

Với trẻ em mắc chứng tự kỷ, giáo viên phải thực sự là người kiên nhẫn, thậm chí là chịu đựng áp lực. Một bài học với trẻ tự kỷ, các thầy, cô phải dạy đi dạy lại hàng tuần mới gọi là tạm ổn. Tuy nhiên trẻ tự kỷ cũng khá sáng tạo nếu các thầy, cô biết cách khơi dậy tư duy của các bạn.

Cô Thúy từ cô giáo dạy Văn trở thành cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ đòi kỹ năng, kiến thức mà cần cả sự yêu thương và sẻ chia. “Khi kết thúc mỗi giờ học, thấy các bạn ấy hoàn thành được cái nơ hoa, mình cảm thấy rất là vui. Đấy là lựa chọn công việc của bản thân mình”- Cô Thúy chia sẻ.

Cùng quan điểm với cô giáo Thúy, cô Phan Lan Hương- Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ cũng là một người nhiệt huyết với trẻ tự kỷ và chậm phát triển. Xuất phát từ lòng yêu thương trẻ em nên cô Hương gắn bó với lĩnh vực này đã hơn 20 năm. Trong quãng thời gian đó, cô Hương tiếp xúc với rất nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và cô nhận ra rằng, có không ít người coi trẻ tự kỷ, chậm phát triển là những người không có giá trị trong cuộc sống. Do đó, bằng tất cả kinh nghiệm và tình yêu thương, cô Hương đã thực hiện dự án hướng nghiệp cho các em thông qua các lớp học nghề nấu ăn, làm hoa, làm sổ, làm túi xách. Cô cho biết, các sản phẩm làm ra được người tiêu dùng hài lòng và đánh giá cao.

Mặc dù dự án của cô Hương có nhiều ý nghĩa nhưng để thực hiện không phải dễ dàng. Bởi quá trình làm việc với các bạn trẻ đặc biệt này có rất nhiều khó khăn. Có bạn chỉ ngồi được khoảng 2 phút, 3 phút là các bạn sẽ đứng dậy nhảy tưng tưng đi chỗ khác hoặc nhiều bạn cầm kéo không biết cắt theo đường thẳng, chứ chưa nói tới cắt theo zích zắc, thậm chí có bạn chưa phân biệt được màu sắc, màu xanh, màu đỏ, ngôn ngữ, nghe hiểu chưa được tốt. Do đó, cô Hương cùng các giáo viên trong trung tâm lại phải mày mò cách hướng dẫn và dạy các em sao cho hiệu quả nhất. “Với những đứa trẻ đặc biệt này, chúng ta cần sự yêu thương và kiên trì, nhẫn nại”, cô Hương chia sẻ.

Có thể nói, thầy Trí, cô Thúy và cô Lan Hương là những người có trái tim nhân hậu. Bởi với họ, những đứa trẻ đặc biệt này không chỉ cần sự quan tâm chăm sóc mà còn cần có tương lai khi mà vẫn còn nhiều quan điểm không đúng về giá trị của các em. Mong rằng, xã hội hãy đón nhận những đứa trẻ đặc biệt để các em có tương lai tốt đẹp hơn./.

Mời nghe bài viết tại đây: