Cha mẹ và con cái cùng nhau trải nghiệm hoạt động chuẩn bị Tết là những nét đẹp rất đáng được gìn giữ. Chuyên gia Lưu Minh Hường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục sớm cho rằng, trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học có khả năng ghi nhớ rất nhanh và những gì các bé được tiếp nhận ở giai đoạn này thường để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên. Chính vì vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn và giúp các con hiểu về những giá trị của ngày Tết cổ truyền bằng cách tham gia trải nghiệm các hoạt động đón năm mới.

Ngày nay, Tết đã được giản tiện đi rất nhiều. Tuy nhiên, có những phong tục chúng ta cần lưu giữ như dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, lễ cúng ông Công, ông Táo để “báo cáo” về một năm đã qua, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ để tỏ lòng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, người thân trong dịp Tết. Hoặc cả gia đình cùng quây quần gói bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị những món ăn ngày Tết.

Từ những hoạt động này, các bậc cha mẹ có thể dạy con những kỹ năng và kiến thức trong cuộc sống, đặc biệt là những giá trị truyền thống của người Việt để sau này, khi lớn lên và trưởng thành, dù đi đến đâu, con cũng luôn nhớ về quê hương, nguồn cội.

Có rất nhiều thứ trẻ có thể học được khi cùng cha mẹ chuẩn bị đón Tết như là làm những món ăn ngày Tết hay các loại hoa, các loại trái cây nào để bày bàn thờ và sắp mâm ngũ quả. Hay những kỹ năng gói bánh chưng, muối dưa hành. Tất cả những điều đó không chỉ là nghi lễ ngày tết mà còn phục vụ cho cuộc sống của trẻ sau này.” - Chuyên gia giáo dục Lưu Minh Hường chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Lưu Minh Hường cũng cho biết, ngày Tết, có những tục lệ mà cho đến bây giờ chị vẫn háo hức. Đó là việc là đi đến thăm người thân, họ hàng. Trong thời đại ngày nay, nhờ có internet nên chúng ta gặp nhau qua video call rất thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn cần một sự kết nối rõ nét hơn, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện. Tất nhiên chúng ta không coi đấy là điều bắt buộc nhưng như người ta vẫn nói “xa mặt cách lòng”. Ngày Tết là dịp đi đến thăm họ hàng, bạn bè để gắn kết hơn các mối quan hệ. Với các em bé, đây là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ người thân và có thêm những trải nghiệm, hiểu biết về những người xung quanh.

Về việc lì xì cho con trẻ trong ngày Tết, chị Lưu Minh Hường cho rằng, để không làm lệch lạc ý nghĩa của phong tục này, người lớn chỉ nên mừng tuổi cho trẻ một số tiền tượng trưng. Bởi các bé trong độ tuổi tiểu học và mầm non đều chưa nhận thức được giá trị của đồng tiền. Trẻ chỉ hiểu lì xì cũng là một món quà. Do đó, người lớn có thể chuẩn bị những món quà nhỏ xinh hoặc sách, truyện hay những vật dụng hữu ích để tặng cho trẻ trong năm mới.

Phong tục khai bút trong ngày đầu xuân năm mới cũng là một nét đẹp của ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, để các bé thực hiện điều này một cách tự nhiên, không khiên cưỡng, gò ép thì với trẻ mầm non, các bố mẹ có thể khuyến khích bé vẽ một bức tranh hoặc tô màu cho tranh, tô chữ... Với trẻ lớn hơn thì có thể trẻ viết những cảm xúc về mùa xuân, về Tết hoặc những người thân trong gia đình – chuyên gia Lưu Minh Hường hướng dẫn.