Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Công ty cổ phần đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam ở đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bị tố cáo chiếm giữ hàng nghìn đô la tiền đặt cọc, hồ sơ và không đưa được lao động xuất cảnh như cam kết. Một nạn nhân của công ty này kể lại rằng đọc được bài đăng tuyển dụng người lao động đi Nhật Bản cho Công ty QLT Việt Nam trên trang của một môi giới. Sau khi liên hệ, nạn nhân đã tin những lời của môi giới và sập bẫy: "Khi phỏng vấn, lên thi đơn hàng 100% đỗ, cũng có người Nhật đến nói chuyện qua qua. Công ty thu 1.200USD-1.500USD. Sau khoảng gần 1 năm, tất cả không đi được thì công ty lại không muốn trả lại."

Tiền nộp là thật nhưng các nạn nhân không được trực tiếp đóng cho công ty mà chỉ nộp tiền cho môi giới (hay còn gọi là nguồn) và nhận về những tờ phiếu thu không rõ ràng. Chờ mãi không được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), các nạn nhân liên hệ công ty để đòi lại tiền nhưng công ty QLT Việt Nam đã chuyển khỏi số 8 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cũng là một nạn nhân của việc lừa đảo xuất khẩu lao động, anh Lê Đức Dương ở Thanh Hóa đã phải nộp tổng số tiền là 945 triệu đồng cho Công ty Cổ phần Đào tạo du học và Xuất nhập khẩu lao động Hoàng Phát để được sang Nhật Bản lao động theo hình thức thương mại, mà thực chất là đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản lao động bất hợp pháp: "Công ty gọi điện lên nói là có đơn hàng dạng kỹ sư nếu đi thì họ sẽ lo cho đi. Em nói không có bằng kỹ sư thì họ bảo tất cả họ sẽ lo. Em hỏi lại đi đơn hàng này có hợp pháp không, công ty vẫn bảo là hợp pháp. Em còn hỏi sang đó có được hưởng BHYT, chế độ, quyền lợi của người đi XKLĐ không thì họ vẫn đảm bảo được hưởng và em đã đi."

Hiện nay, các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động có nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi. Có thể kể ra một vài cách thức thông dụng như tư vấn những đơn hàng lương khủng với mức phí thấp đến siêu thấp; tư vấn ở công ty này trong khi đưa sang công ty khác; không có giấy cam kết mức phí đã thông báo hoặc không làm giấy xác nhận khi nhận tiền; gạ gẫm người lao động làm giả giấy tờ khi không đạt yêu cầu về điểm nào đó (ví dụ giả giấy tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng,…); dụ dỗ người lao động đi theo các con đường chui như du lịch, du học…; bắt người lao động phải chờ quá lâu, không cấp visa khi đến thời gian chỉ định xuất cảnh; bắt đóng tiền cọc chống trốn.

Theo bà Trần Thị Vân Hà –Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động cần cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu để tránh “tiền mất tật mang” và chỉ nên đăng ký sang lao động ở nước ngoài tại những nơi được cấp phép: "Chỉ nên liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội địa phương để có những thông tin chính thống về các cơ hội việc làm ở nước ngoài. Hai nữa là bạn có thể tìm kiếm trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn) cũng như website của Bộ LĐ-TB&XH thì sẽ thấy hơn 400 công ty phái cử được cấp phép của Bộ LĐ-TB&XH, có website, địa chỉ liên lạc của công ty để liên lạc trực tiếp với công ty tìm hiểu các cơ hội việc làm ngoài nước và đăng ký trực tiếp với công ty. Với mỗi thông báo tuyển mà bạn nhận được thì phải có dấu của công ty. Mỗi lần công ty tư vấn thì mình đòi hỏi Giấy trả lời thẩm định của Cục QLLĐNN về đơn hàng đó thì mới hợp pháp. Đóng bất kỳ khoản tiền nào cũng phải có phiếu thu có dấu của công ty./.