Hôm nay (04/11), Quốc hội thảo luận tại nghị trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phấn khởi về kết quả đạt được nhưng các đại biểu cũng lo lắng các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 gây ra thiếu hụt nguồn lực để về đích theo kế hoạch đặt ra

Kết quả vượt mong đợi

Theo báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8-7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%. Đây là những con số vượt mong đợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

“Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ; dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế”, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu dẫn chứng.

“Điểm sáng” tình người

Đề cập kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu nhắc đến sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc giúp các tỉnh phía Bắc vượt qua khó khăn, ổn định cuộc cuộc sống do bão số 3 gây ra. “Nhiều địa phương oằn mình trong bão lũ, nhiều tài sản bị nhấn chìm, cuốn trôi. Song với sự quyết liệt, lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cùng với những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão. Có thể nói, mưa bão đã qua đi nhưng tình dân tộc, nghĩa đồng bào và tình người vẫn còn ở lại tạo nên sức mạnh của cả dân tộc ta”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, ĐBQH tỉnh Thái Bình, cũng ấn tượng với kết quả đạt được trong việc hỗ trợ các tỉnh phía Bắc khi bão số 3 tàn phá nước ta. “Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên 2.000 tỷ đồng và hàng nghìn tấn vật tư, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn”, đại biểu Nguyễn Văn Huy bày tỏ.

Cần bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền núi bị thiệt hại do bão số 3

Với những gì đã đạt được, các đại biểu đều có niềm tin cả nước sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tuy nhiên, để các tỉnh miền núi không bị “bỏ lại phía sau”, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tàn phá của bão số 3, cần phải có chính sách hỗ trợ.

Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, cho biết bão số 3 gây thiệt hại về kinh tế, ước tính hơn 81.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cao Bằng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bàng, còn nhiều khó khăn thì nay càng khó khăn hơn. Nhiều tuyến đường giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng như quốc lộ 34, quốc lộ 34b, quốc lộ 4 hư hỏng rất nghiêm trọng; hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún rất khó khắc phục; nhiều trường học trong vùng bị ảnh hưởng tuy chưa bị chịu thiệt hại nhưng nguy cơ sạt lở rất cao. Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh, địa phương không thể bố trí cho các em học tại các trường này. Nhiều trường học, trạm y tế phải di dời, xây dựng địa điểm mới và nguồn thu của các địa phương phía Bắc thì khó khăn, không thể khắc phục được.

Từ thực tế nêu trên, Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu, xây dựng gói phục hồi kinh tế sau bão số 3 cho các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn tăng thu. “Ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3, nhất là các tỉnh biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Đức nhấn mạnh.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cũng viện dẫn tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cả nước năm 2023 là 5,7%, trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc là 18,20%, gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước, các tỉnh Tây Nguyên là 12,46%, các tỉnh đồng bằng sông Hồng là 1,87%, các tỉnh Đông Nam Bộ là 0,23%. Từ số liệu này, ông cho rằng thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh miền núi nói chung còn khoảng cách rất xa so với các tỉnh vùng đồng bằng và bình quân chung của cả nước. Để các tỉnh nghèo nói chung, các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, trong đó có tỉnh Cao Bằng, theo kịp đà phát triển của cả nước, ông đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù cho những địa phương này. “Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chiến lược miền núi tiến kịp miền xuôi của Đảng và Nhà nước ta, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi”, đại biểu Sùng A Lềnh bày tỏ.

Từ thực tế và từ số liệu trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đề nghị Quốc hội xây dựng cơ chế đặc thù để các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đặt ra. “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng, bởi GDP năm 2024 ước giảm 0,15% do tác động từ thiệt hại của chỉ với cơn bão số 3”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ.