Thực hiện Nghị quyết số 27 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12, Chính phủ từng dự kiến sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo vị trí việc làm từ ngày 1/7 tới. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng việc xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thành. Nhiều luật và quy định hiện hành như Luật BHXH, Luật thi đua khen thưởng đều đang tính dựa vào lương cơ sở - chưa kịp sửa đổi dẫn đến việc xây dựng chế độ phụ cấp mới cũng gặp khó khăn.

Theo đề xuất của Chính Phủ, từ ngày 1/7 tới đây, sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức tăng khoảng 30%). Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đồng tình cao với đề xuất tăng lương cơ sở của Chính phủ, bên hành lang kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ cần sớm có các giải pháp đồng bộ để không lặp lại câu chuyện tăng lương kèm tăng giá.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phân tích: “Chính phủ đã thảo luận rất nhiều lần về vị trí việc làm nhưng tới nay vẫn chưa có tính toán cụ thể nên Chính phủ đề xuất Quốc hội kỳ này là tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng. Ngoài ra những người hưởng lương từ ngân sách: trợ cấp, hưu tăng 15% thì tôi cho đề xuất đó của Chính phủ rất hiệu quả, nhân văn, là thông tin rất nhiều cán bộ viên chức rất đồng tình ủng hộ.”

Để niềm vui tăng lương được trọn vẹn, các đại biểu nhấn mạnh, ngay sau thông tin tăng lương, Chính phủ cần có ngay những giải pháp để kiềm chế lạm phát, ngăn giá cả hàng hóa tăng theo. Bởi hiện tượng “té nước theo mưa” tăng giá theo tăng lương là câu chuyện muôn thủa. Bởi vậy, mỗi đợt tăng lương, người lao động đều nửa mừng, nửa lo và mong muốn việc tăng lương sẽ thực chất cải thiện đời sống.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, việc tăng lương cần đi kèm với việc giữ được lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng. “Nếu tăng lương mà giá cả vẫn tăng thì không đem lại lợi ích gì cho người thu nhập từ lương- thậm chí gây khó khăn cho đối tượng không thu nhập từ lương, cho nên bên cạnh tăng lương, Chính phủ cần thực hiện thật tốt các biện pháp để kiểm soát lạm phát, giá cả không tăng - đó mới là ý nghĩa của lần tăng lương lần này.” Đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về lâu dài, Chính phủ vẫn cần quyết tâm xây dựng lộ trình sớm cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Vì đây là cách tính lương khoa học, công bằng và tiệm cận với cách tính của nhiều quốc gia trên thế giới. “Song song với giải pháp trước mắt này thì chính phủ vẫn đang nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm sau này. Tôi vẫn nhấn mạnh là để có nguồn lực thực sự vững chắc cho cải cách tiền lương thì những giải pháp đưa ra: tăng năng suất lao động, tinh giản bộ máy, và nâng cao GDP - là điều rất quan trọng. Vì có như thế mới có nguồn lực thực sự vững chắc để cải cách tiền lương.”

Nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục…); Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời; Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%;

Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng… Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.