Hơn 1 năm nay, từ ngày dịch Covid – 19 xảy ra, chị Q ở Hà Nội trở thành “tín đồ” của mua sắm online. Và đặc biệt, vừa qua khi cơ quan chị có người là F1 của người nhiễm Covid – 19, chị phải làm việc ở nhà, vậy là mọi thứ mua bán đều qua online. Chỉ nửa tháng ở nhà, hàng trăm món đồ được chuyển đến nhà, nhưng trong đó có không ít món chị đã phải ngậm “quả đắng".

Dù không mua sắm tại những gian hàng “ảo” như chị Q, thế nhưng mỗi khi có nhu cầu, anh T cũng vào mạng để tìm mua mặt hàng mình cần, trong đó phần đa là đồ điện tử. Trong những lần anh mua trên mạng, rất ít lần anh được cửa hàng bảo hành theo đúng cam kết. "Nhiều khi có cảm giác mình bị mắc lừa" - Anh T chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Thương mại điện tử đang đóng góp một phần rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một số đối tượng đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả để bán, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: Dịch Covid-19 gây ra nhiều thay đổi lên nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Đáng chú ý, do ảnh hưởng bởi các quy định cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng đã dần quen thuộc hơn với việc mua sắm trực tuyến và tiêu dùng thông thái. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và cũng đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống, buộc các họ phải chuyển đổi/hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến người tiêu dùng. Thế nhưng vì một số đối tượng đã bán hàng kém chất lượng khiến một số người tiêu dùng không hài lòng với kênh bán hàng này.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay cả nước đã có 44,8 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với con số 30,3 triệu người vào năm 2015, với giá trị mua sắm trực tuyến là 225 USD/người/năm. Mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng 600 USD/người/năm, doanh số thương mại điện tử có thể đạt 35 tỉ USD. Tôi nghĩ nếu chúng ta không có biện pháp để thanh lọc những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo thì con số đã đề ra khó cán đích.

Làm gì để người tiêu dùng không mua phải hàng giả, hàng nhái, mất tiền oan? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Cần phải có những giải pháp đồng bộ bao gồm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật cạnh tranh thương mại cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và đặc biệt là chống hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó cũng cần phát triển dịch vụ và các thông tin về hàng hóa để kiệm định chất lượng hàng hóa và đặc biệt là bổ sung kiến thức cho người tiêu dùng, thêm khả năng để tự mình đối phó và tránh cạm bẫy trên môi trường thương mại điện tử. Ngoài ra cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phải thực hiện tốt quy định có liên quan bao gồm cả công bố tiêu chuẩn hàng hóa của mình và thực hiện chính sách hậu mãi để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Vậy người tiêu dùng cần phải làm gì để khi đi chợ mua bán online không “sập bẫy” lừa đảo? Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Chúng ta cần phải tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ nguồn gốc của gian hàng online, không mua hàng ở những nơi không có địa chỉ cụ thể, không có đăng ký kinh doanh và mặt hàng có giá rẻ bất ngờ. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng nên mua hàng chính hãng, không mua hàng trôi nổi, không cho kẻ gian thương có điều kiện để hoạt động"./.