Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương” nhiều cán bộ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khi đó cũng đã đồng lòng về quê đưa vợ, con lên chung sức cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên xây dựng lại mảnh đất mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương. Sự đồng lòng, quyết tâm đó đã đưa Điện Biên hôm nay trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên, mạng lưới giao thông thuận tiện kết nối nhiều vùng miền trọng điểm giúp Điện Biên hôm nay tự tin vững bước trên đường lớn thênh thang, cùng cả nước bước vào hội nhập.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu – Chấn động địa cầu”, đập tan ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Sau năm 1954 khi chiến thắng thực dân Pháp xâm lược, Điện Biên lại tiếp tục bước vào "trận chiến" mới "xóa đói nghèo, kiến thiết lại quê hương".
Nhớ lại thời điểm mảnh đất Điện Biên Phủ những ngày đầu sau giải phóng, ông Vũ Văn Kiệm, người dân phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: "Quang cảnh lúc bấy giờ hết sức hoang sơ, chỉ có 3,4 nhà ngói, từ Đồi A1 lên đến gần chợ trung tâm không có cơ quan nào cả. Điện Biên Phủ giải phóng rồi nhưng người dân vẫn còn đói khổ, nhất là đồng bào dân tộc, ngày ăn 2 bữa không no".
Cũng trong thời điểm đó, với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương” nhiều cán bộ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cũng đã đồng lòng về quê hương đưa vợ, con lên chung sức cùng với đồng bào các dân tộc Điện Biên xây dựng lại mảnh đất mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương.
Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên cho biết: Sau ngày giải phóng, đời sống của đồng bào, nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Diện tích lúa nước không nhiều do bà con chỉ quen trồng lúa nương, nhiều diện tích của lòng chảo Mường Thanh cũng chủ yếu để chăn thả gia súc, chưa phát triển được nông nghiệp hoặc phát triển nhỏ lẻ năng suất không cao, giá trị kinh tế thấp, đời sống nhân dân tới 90% là thiếu ăn.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để giúp người dân mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.
Ngày 3/10/1963, công trình chính thức được khởi công với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Quá trình thi công trong điều kiện rất khó khăn cả về nhân lực và phương tiện, vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Song với tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, hoàn thành xây dựng được các hạng mục: đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127m qua sông Nậm Rốm, hệ thống tường chắn bằng bê tông cốt thép dài 68m, cao 17m; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát và hơn 34km mương dẫn nước dọc 2 bên phía Đông và phía Tây của cánh đồng Mường Thanh.
Công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm đã góp phần đảm bảo cung ứng nước tưới, tạo nên cánh đồng Mường Thanh trù phú, có giá trị kinh tế cao, tạo đột phá cho nông nghiệp, làm lên thương hiệu gạo Điên Biên nổi tiếng toàn quốc. Từ diện tích chỉ khoảng 300ha ban đầu đến nay công trình vẫn đảm nhiệm nuôi dưỡng hơn 7.000ha lúa 2 vụ của người dân trong vùng lòng chảo Mường Thanh, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên hơn 60 tạ/ha. Ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên khẳng định "Nhờ có dòng nước của Đại thủy nông Nậm Rốm tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, nhân dân đã có thể phát triển nông nghiệp tốt hơn. Tấc đất tấc vàng, trước đây chưa có công trình thủy lợi, người dân bỏ hoang hàng trăm, hàng nghìn héc ta đất, nhưng bây giờ dù 5-10 m2 bà con vẫn có thể sản xuất nông nghiệp làm ra hạt thóc, không bỏ phí một tấc đất nào. Đây cũng là một điều rất quý về việc thay đổi tư tưởng, tư duy trong phát triển nông nghiệp của người dân".
Song song với giải quyết “giặc đói”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng tập trung kiến thiết lại đô thị sau những ngổn ngang, tàn phá của bom đạn. Từ một bãi chiến trường ngổn ngang, với sự hỗ trợ của trung ương, Điện Biên đã bứt tốc, tập trung toàn lực kiến thiết xây dựng lại và vươn mình trở thành một thành phố trẻ năng động, hiện đại.
Hiện mạng lưới đô thị tỉnh Điện Biên đang được mở rộng và phát triển theo định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện và đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt khoảng 20 đồ án quy hoạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 36%. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.
Nhiều công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt phải kể đến sân bay Điện Biên Phủ giúp kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietjet Air cho biết: "Sân bay Điện Biên Phủ đã có một diện mạo mới rất khang trang và đặc biệt là có thể tiếp nhận được tàu bay A320, A321 đến được với Điện Biên thay vì trước đây chưa khai thác được. Điều này mở ra nhiều điều kiện phát triển lớn cho Điện Biên hôm nay".
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: năm 2022, tỉnh Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành trong cả nước, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt khá cao so bình quân chung cả nước, thuộc tốp đầu của 14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên du lịch của tỉnh cán mốc 1 triệu lượt khách. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 26%.
Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Điện Biên, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây vào giữa tháng 3, tỉnh Điện Biên cũng thể hiện quyết tâm rất rõ, từ nay tới năm 2030 địa phương sẽ được quy hoạch để trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng, gắn với 4 trục động lực, 3 vùng kinh tế và 4 cực tăng trưởng, lấy việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước là đột phá. Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: "Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, năng động đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo tinh thần chủ động, nhạy bén, nắm chắc thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực".
Cũng tại hội công bố quy hoạch tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch tỉnh sẽ tạo động lực, sức lan toả mới cho Điện Biên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, Điện Biên cần chú trọng thực hiện hiệu quả quy hoạch hướng tới phát triển xanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng sẵn có. Sau 70 năm chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu với những ý nghĩa, tầm vóc mang tính thời đại, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên cần tiếp tục giữ vững niềm tự hào biến thành động lực mạnh mẽ, kết hợp với sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân tập trung đưa Ðiện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới nơi cực Tây của Tổ quốc:
"Cần phải quan tâm để kết nối và phát huy lợi thế của các vùng trong tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hệ thống cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và từ đấy để dẫn dắt, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ cho định hướng nhiệm vụ được mục tiêu đặt ra trong quy hoạch của tỉnh cũng như là quy hoạch của Nghị quyết 11, tức là quy hoạch của các tỉnh vùng núi phía Bắc" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Điện Biên không chỉ là vùng đất cách mạng gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh. Kế thừa những tiềm năng, lợi thế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn đang nỗ lực từng ngày, khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng để Điện Biên phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Vũ Lợi/VOV Tây Bắc