Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu môn thi mô phỏng lái xe ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC. Và kể từ tháng 6/2022, môn thi mô phỏng trên màn hình các tình huống giao thông áp dụng trong kỳ thi giấy phép lái ô tô.

Sau một thời gian ngắn áp dụng thì mới đây, trong các văn bản góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung các quy định đào tạo, sát hạch lái xe, nhiều địa phương đã nhận định phần thi mô phỏng sát hạch lái xe thiếu thực tế, đánh đố người thi, đồng thời đề xuất sửa đổi, thậm chí bỏ phần thi này. Rất đông cư dân mạng đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này.

Mục đích của phần mềm mô phỏng là để người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thường gặp và những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đang phát triển khi tham gia giao thông ở các điều kiện, môi trường giao thông trên đường bộ khác nhau. Từ đó người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông, cụ thể như: Giai đoạn bắt đầu tình huống, các dấu hiệu chuẩn bị xuất hiện tình huống, diễn biến của tình huống, kết thúc tình huống.

Tuy nhiên, thay vì giúp nhận biết các tình huống mất an toàn giao thông thì học viên thường phải tham khảo đủ 120 tình huống mô phỏng và xem trước các đáp án để biết khoảnh khắc nào sẽ được điểm tối đa. Nếu không học kỹ, học "thuộc lòng" thì thí sinh vẫn có thể bị điểm kém hoặc thi trượt. Có nhiều trường hợp khi thi chỉ cần ấn bàn phím sớm 1 giây hoặc chậm một giây khi xử lý tình huống giao thông trong phần thi mô phỏng lái xe, học viên sẽ bị 0 điểm.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngay từ khi áp dụng phần thi này cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người hoài nghi về tính hợp lý, sự lãng phí mà đặc biệt hiệu quả trong quá trình tác đào tạo, sát hạch. Và thực tế sau quá trình ngắn triển khai, bản thân ông cũng nhận được nhiều ý kiến của các cơ sở đào tạo phản hồi về tính hiệu quả chưa tốt, thiếu thực tế, chưa theo kịp mong muốn của các nhà quản lý

Ông Thanh cho rằng, với phần mềm mô phỏng, nhiều tình huống đưa ra có điểm chuẩn vô lý, thậm chí không đúng với phản xạ thực tế của người lái xe trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy, mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi thực hiện phần thi trên phần mềm mô phỏng cho cảm giác giống một game thử thách hơn là những tình huống thực tế được trải nghiệm trên đường. Lí do vẫn là do các tình huống thi đều khác quá xa thực tế trên đường.

Trao đổi với PV VOV2, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc thi mô phỏng lái xe nhằm giúp người lái nhận biết được tình huống nguy hiểm khi lái xe trên đường. Ở các nước trên thế giới, họ áp dụng phần thi này từ rất lâu đem lại những hiệu quả nhất định giúp người lái tăng khả năng nhận diện nguy hiểm, nâng cao kỹ năng người lái.

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Lương Duyên Thống, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương, các cơ sở đào tạo, người học, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thành trên cả nước, chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Bắt đầu từ ngày 5/1/2024, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Sở Giao thông Vận tải và cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật phần mềm mô phỏng tình huống giao thông phục vụ đào tạo, sát hạch lái xe. Phần mềm mới này được Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, nâng cấp nhằm phù hợp hơn với thực tế.

Cục Đường bộ đã điều chỉnh lại đồ họa một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp, nâng cao chất lượng hình ảnh để người học dễ nhận diện tình huống.

Với phần mềm phục vụ thi sát hạch, Cục điều chỉnh tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây để học viên có thêm thời gian chuẩn bị; điều chỉnh không cho nhấn đúp vào phần video; khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình.

Một điểm quan trọng giúp giảm độ khó cho bài thi là kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.

Phần mềm ôn tập cũng được bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.

Dự kiến từ 1/2/2024, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái ô tô sẽ cập nhật phần mềm mô phỏng giao thông mới để phục vụ việc học và thi sát hạch.