Mỗi dịp cuối năm, thông tin về thưởng Tết lại thu hút sự quan tâm lớn, không chỉ của người lao động. Thưởng Tết phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, qua đó phần nào thể hiện bức tranh kinh tế của đất nước. Thưởng Tết ngoài việc góp phần hỗ trợ cho người lao động mua sắm chi tiêu để có một cái Tết đầm ấm vui tươi đầy đủ thì còn là món quà tinh thần thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viện của chủ doanh nghiệp với người lao động sau một năm làm việc vất vả, cống hiến. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của người lao động. Vì vậy, vấn đề thưởng Tết lại càng được người lao động quan tâm hơn.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Chính sách pháp luật – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, nhìn chung mức thưởng Tết năm nay sẽ khó khăn rất nhiều so với những năm trước. Thưởng Tết năm nay sẽ được chia thành 3 mức. Với những doanh nghiệp, ngành nghề vẫn hoạt động và có sự tăng trưởng như: Bưu chính viễn thông, Tài chính ngân hàng, Thương mại điện tử… có thể sẽ duy trì mức thưởng như những năm trước; còn những doanh nghiệp cơ bản vẫn đảm bảo được việc làm cho người lao động, ít chịu ảnh hưởng của dịch thì mức thưởng Tết sẽ là 1 tháng lương theo hợp đồng hoặc 1 tháng lương cơ bản; còn những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ người lao động phải nghỉ việc hoặc việc làm không đầy đủ như: dịch vụ, khách sạn, vận tải, du lịch…thì rất khó để có thưởng Tết cho người lao động.

Những năm trước đây, không ít doanh nghiệp sẵn sàng chi thưởng Tết với mức “khủng” như: vàng, ô tô, căn hộ chung cư cao cấp…cho người lao động có thành tích xuất sắc. Đây được xem là sự động viên, chia sẻ và khích lệ để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Đình Quảng, mức thưởng Tết này chỉ tập trung ở một vài cá nhân, doanh nghiệp, không đại diện cho mức thưởng chung của cả nước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, nếu người lao động không được thưởng Tết hoặc được thưởng ít cũng nên chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đương đầu.

Trước tác động của dịch Covid-19, ngành lữ hành, du lịch là một trong số những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Lương Duy Doanh - Giám đốc Công ty Fivestar Travel cho biết: Cả năm 2021, công ty chỉ hoạt động được khoảng 2 tháng, do đó doanh thu bị giảm sút từ 80 – 90%, nhân viên không có việc phải nghỉ làm. Sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “bình thường mới” công ty đã có những thích ứng, chuẩn bị về tinh thần để hoàn thiện và đổi mới phương hướng hoạt động. Do vậy, dù chỉ hoạt động có 2 tháng nhưng kết quả lại khá khả quan. Dù khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng có khoản thưởng Tết cho người lao động (dự kiến mức thưởng Tết sẽ bằng 30% so với những năm trước). Tuy mức thưởng không nhiều nhưng cũng là sự động viên, chia sẻ để doanh nghiệp cũng như người lao động tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.

Thưởng Tết được coi là văn hóa, là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động giúp họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp ngoài tiền lương, tiền thưởng cũng là chính sách để thu hút lao động có chất lượng ở ngoài vào làm việc. Đây cũng có thể coi là chiến lược của mỗi doanh nghiệp hiện nay. Từ câu chuyện lương thưởng nhìn rộng ra có thể thấy, chính sách đầu tư cho người lao động chính là khoản đầu tư sinh lời của doanh nghiệp. Vì khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, nên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có kế hoạch thăm, tặng quà, động viên chúc Tết người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và những đối tượng tham gia hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, dịp Tết này, Tổng Liên đoàn cũng sẽ hỗ trợ tàu xe, đưa đón người lao động về quê ăn Tết cũng như quay trở lại làm việc. Đặc biệt, năm nay tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ người lao động có đóng bảo hiểm trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn, cán bộ công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn mỗi người 300 nghìn đồng. Dự kiến sẽ có khoảng 8 triệu đoàn viên người lao động được hỗ trợ với số tiền là 2.400 tỷ đồng./.

Mời nghe chương trình tại đây: