Tết là dịp quan trọng để gia đình sum họp. Về quê ăn Tết là nhu cầu chính đáng của mỗi người con xa quê. Tuy nhiên, thời gian qua một số địa phương lại vận động người dân không về quê ăn Tết bằng những bức thư ngỏ, thậm chí gây cản trở bằng những quy định như phải về tới quê trước Tết 22 ngày, phải xét nghiệm âm tính 3 lần với SARS-CoV-2.
Trao đổi phóng viên VOV2, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Yến, Quản lý chương trình, Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, (Viện LIGHT) cho rằng việc thận trọng, cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 là rất cần thiết. Song những hình thức phòng chống dịch đó không còn phù hợp, không có nhiều tác dụng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. “Cách đây một năm thì việc hạn chế người dân di chuyển là biện pháp rất đúng đắn vì khi đó chúng ta chưa tiêm phòng được cho người dân. Còn bây giờ, độ bao phủ vắc-xin cho người dân đã ở mức cao. Cả nước cũng đã chuyển trạng thái chống dịch từ “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với dịch” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ”, bà Yến chia sẻ.
Theo bà Yến, nguy cơ lan truyền dịch không phải do người dân về quê hay không về quê. Vấn đề an toàn nằm ở việc tuân thủ thực hiện “5K” theo khuyến cáo của ngành y. “Viện LIGHT đang triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân về quê ăn tết an toàn. Chúng tôi hướng dẫn họ khi đi đường nên mặc quần áo như thế nào; về nhà cởi quần áo ra sao để giặt ngay, không để lây dính ra đồ khác; hướng dẫn họ giao tiếp với người nhà trong những đầu mới về ra sao…”, bà Yến cho biết.
“Quan điểm của chúng tôi là chính quyền hãy cung cấp kiến thức chính xác, đầy đủ, khoa học cho người dân để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan dịch, chứ đừng vì sợ hãi và khuyến cáo họ không về. Làm được như vậy thì cái Tết mới an lành, đầm ấm”, bà Yến nhấn mạnh.
Nghe cuộc bàn luận dưới đây: