Nghe phóng sự tại đây:
Gây nuôi thương mại động vật hoang dã là hoạt động được cấp phép tại Việt Nam. Thống kê hiện đang có 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép, chưa kể các trại chưa được hoặc đang chờ cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép.
Với nhiều địa phương, việc nuôi rắn, trăn, rùa…còn là phương kế phát triển kinh tế cho các hộ gia đình. Thế nhưng, các nhà khoa học đã có nhiều cảnh báo về việc gây nuôi động vật hoang dã bất hợp pháp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sự suy tồn giống loài và tiềm ẩn những nguy cơ bệnh tật.
Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.
"ENV không ủng hộ gây nuôi thương mại các loài nguy cấp quý hiếm. Tuy nhiên đối với việc gây nuôi những loài động vật hoang dã khác cần phải có các quy định cụ thể rõ ràng. Trong đó cần nêu rõ loài nào được nuôi vì mục đích thương mại và đảm bảo những loài được nuôi là những loài sinh trưởng tốt trong môi trường kiểm soát gây nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên" - bà Bùi Thị Hà - PGĐ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nêu quan điểm.
Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại động vật hoang dã, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.
Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của loài nuôi. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép.
Là đơn vị khoa học tư vấn và cấp phép cho gây nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại, GS.TS Nguyễn Quảng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ ra những kẽ hở trong việc người dân tự ý nuôi động vật hoang dã tại nhà. Vì không có thông tin, kiến thức nên vô hình chung hoạt động nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn cho người nuôi và môi trường sinh thái tại chính địa phương đó.
"Người nuôi thiếu thông tin, ví dụ ba ba chẳng hạn đang có lãi, nhiều người đổ xô đi nuôi ba ba. Khi mình có quy hoạch sẽ có quy mô phát triển như thế nào. Thị trường phát triển quá sẽ bão hòa, thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Tôi nói rồi, thiếu quy hoạch, thiếu dự báo cho thị trường" - ông Trường trả lời VOV2.
Hiện nay, tại các địa phương, các chi cục kiểm lâm hoặc chi cục thủy sản sẽ cấp mã số cơ sở nuôi để quản lý. Theo GS.TS Nguyễn Quảng Trường, kể cả hộ gia đình nuôi vài cá thể vẫn phải có giấy phép và việc cấp phép cũng không khó khăn. Vấn đề ở đây phải có phương án nuôi và chứng minh được nguồn gốc loài động vật hoang dã là hợp pháp.
"Do việc tự phát, quy mô nhỏ lẻ rồi đối tượng nuôi không được định hướng nên lợi ích kinh tế lúc có lãi chỉ bán con giống, khi nuôi tràn lan đại trà rồi lại không biết bán đi đâu. Thứ hai nữa là quản lý hiện nay có nhiều vấn đề cần quan tâm mà chúng ta lại có nguồn nhân lực nghiên cứu dự báo thị trường nên đấy là một trong những cái cần cải thiện trong thời gian tới".
Năm 2022 tổ chức ENV đã đề xuất ban hành danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và chỉ cho phép nuôi thương mại đối với những loài thuộc danh mục này. Đề xuất này không phải là mới bởi trong Nghị định 06-2019 của Chính phủ về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, cũng đã đưa ra danh mục này, thế nhưng đến nay chưa cơ quan nào thực hiện được.
"Các quy định hiện nay của pháp luật tương đối đầy đủ, nhưng công tác kiểm tra giám sát còn nhiều hạn chế. Ví dụ như theo quy định quốc tế, khi loài động vật đẻ ra phải đánh dấu trứng, nhưng kinh phí đóng dấu như thế nào, ai thực hiện? Đó là những bất cập chưa giải quyết ngày một ngày hai được. Muốn ban hành phải xét các tiêu chí hợp lý, căn cứ hiện trạng nuôi gì, thị trường cần gì và xem quy hoạch hợp lý" - đại diện ENV cho biết.
Rõ ràng, hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước. Đây là một thực tế cần có giải pháp tháo gỡ của các cơ quan chức năng./.