Mời nghe chương trình tại đây:

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng cho mỗi người. Sở dĩ, gia đình là diểm tựa vững chắc của mỗi người bởi lẽ ở đó, chúng ta có những người thân yêu nhất, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chở che và bao bọc chúng ta. Dù chúng ta có trưởng thành, có tự đi được bằng đôi chân của mình, có sự nghiệp, tiền tài, danh vọng... thì gia đình vẫn sẽ luôn là điểm tựa vững chắc.

Để có gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay, chị Lương Thị Minh Nguyệt (hiện là Phó giám đốc Trung tâm đào tạo cho người khuyết tật Việt Nam) đã phải vượt qua rất nhiều sóng gió. Năm 2014, một tai nạn đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời chị, mất 93% sức khỏe, gia đình chỉ còn ba mẹ con. Có những giây phút yếu lòng chị từng nghĩa đến chuyện từ bỏ cuộc sống. Nhưng rồi với sự động viên, vỗ về của gia đình, nhất là của hai con đã giúp chị có động lực vươn lên. “Một người khuyết tật đặc biệt nặng, gia đình chỉ có 3 mẹ con thôi, để các con noi theo và nhìn vào là mình phải cố gắng, trước hết là bằng nghị lực sống của mình. Mặc dù chấn thương rất nặng nhưng tôi vẫn làm tốt công việc của mình trong gia đình và công tác xã hội. Mình mang lại giá trị cho cuộc sống, mang lại niềm tin cho mọi người, con cái cũng sẽ nhìn nhận việc ấy là tốt… Để mình có được nghị lực vươn lên như ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn gia đình nhất là 2 con luôn là chỗ dựa giúp tôi vực dậy tinh thần”, chị Nguyệt tâm sự.

Chị Bùi Thanh Vân là giáo viên dạy chuyên sinh ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia, Hà Nội. Là giáo viên tham gia đào tạo đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, chị Vân bận rộn hơn rất nhiều và cũng không tránh khỏi những lo lắng, áp lực. Nhưng với sự chia sẻ, động viên và giúp đỡ của chồng chị đã nỗ lực vượt qua. Chị cho biết là phụ nữ trong nhà có rất nhiều việc phải quan tâm thế nhưng chồng luôn tạo điều kiện tốt nhất để chị được phát triển. Ngay cả trong công việc mỗi khi gặp khó khăn, vướng mắc chị cũng hay trao đổi để nhờ chồng giúp đỡ.

Để soạn giáo án giảng bài cho học sinh giỏi, chị Vân phải thường xuyên thức đến 2-3h sáng. Đó là chưa kể đến những lúc kèm thêm cho học sinh giỏi vào thời gian kỳ thi tuyển, rồi còn việc học nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ. Vì vậy, chị có rất ít thời gian dành riêng cho gia đình nhỏ của mình. Và, thật hạnh phúc khi chồng chị là anh Lê Đức Phúc, hiện đang là Giám đốc một công ty xây dựng, dù cũng bận rộn trong công việc nhưng chưa bao giờ anh than phiền mà ngược lại, anh luôn ở bên động viên, chia sẻ với những khó khăn của vợ. Anh Phúc chia sẻ: công việc của vợ thì không ai có thể làm thay được những việc về mặt chuyên muôn. Vậy nên tôi chỉ có thể chia sẻ, giúp đỡ vợ một số việc như chăm sóc con cái, công việc gia đình hai bên nội ngoại để vợ có thời gian chuyên tâm với công việc hơn.

Cho dù cuộc sống có trắc, trở ngập ghềnh đến đâu đi chăng nữa thì gia đình là nơi mà về cơ bản, chúng ta đều có thể tìm thấy sự an toàn, tin tưởng và chân thành nhất. Ở đó chúng ta được tâm sự, được chia sẻ, động viên mỗi khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn, được nghe những lời khuyên nhủ từ những người hiểu ta nhất, yêu ta nhất. Đó là một sự cộng hưởng về sức mạnh và sự đồng cảm. Từ đó, chúng ta có thêm niềm tin và ý chí để vượt qua khó khăn thách thức một cách dễ dàng hơn.

Theo TS tâm lý Nguyễn Tuấn Anh - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, gia đình là điểm tựa lớn nhất vì gia đình được xây dựng từ nền tảng tình yêu thương và ruột thịt. Những người thân nhất là những người ít có khả năng phản bội ta nhất. Với nhiều người, ở ngoài xã hội, họ mạnh mẽ, họ khí khái, họ đạo mạo, họ long lanh... nhưng khi về nhà họ lại trở nên yếu đuối vì được bỏ hết những vỏ bọc mặt nạ, không phải diễn, họ được sống thật...vì chỉ những người thân trong gia đình mới là những người hiểu mình nhất.

Gia đình không đơn thuần chỉ là những người sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn hay biến cố cuộc đời. Sự hỗ trợ ấy thật thiêng liêng, được coi trọng là vì nó không có động cơ vụ lợi, giúp đỡ một cách chân thành, vô điều kiện. Cha mẹ, anh chị em giúp đỡ chúng ta vì tình yêu thương vô bờ bến.

Trên thực tế đã có không ít những ông bố, bà mẹ dù con cái mình có đi lầm đường lạc lối vẫn cố gắng bảo vệ con, vẫn lặng lẽ đón con trở về hay có những người vợ lặng thầm hy sinh để chồng thành danh, nhiều người con cũng đã lặng lẽ, cần mẫn tự mình chăm sóc cha mẹ khi ốm đau, bệnh tật … sẵn sàng từ bỏ những giá trị phù phiếm để lựa chọn gia đình. Điều đó cho thấy chỉ có gia đình mới khiến người ta sẵn sàng đánh đổi, sẵn sàng hy sinh.

Để duy trì gắn kết gia đình thì trước hết mỗi người cần làm tốt và làm tròn đúng vai trò của mình. Chồng ra chồng, vợ ra vợ, con ra con. Con cái phải tôn trọng, hiếu thảo cha mẹ, vợ chồng thì phải yêu thương, chia sẻ trách nhiệm với nhau; cha mẹ quan tâm, chăm sóc con cái. Dù công việc bận rộn nhưng vẫn dành thời gian hàng ngày để tâm sự, nói chuyện, để ăn với nhau bữa cơm tối, kể cho nhau nghe những câu chuyện, những áp lực trong ngày mình đã gặp để được giải toả, được cảm thông. Giảm thời gian dùng điện thoại, hạn chế mang công việc về nhà... Khi có vấn đề gì áp lực, bí bách, khó giải quyết thì phải tâm sự, chia sẻ kịp thời để cùng nhau giải quyết, vun đắp tình cảm gia đình bằng tình yêu thương, hy sinh và có trách nhiệm, TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Gia đình là khởi đầu của mọi yêu thương, cũng là bến đỗ bình yên nhất sau những chuyến đi xa. Nơi đó có những vòng tay ấm áp, có tình yêu thương vô điều kiện mà ở những môi trường khác khó có thể có được. Đó cũng là điểm tựa vững bền mà cả cuộc đời này ta phải luôn trân trọng, vun đắp./.