Những vấn đề nổi cộm

Ba chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội thảo luận, gồm: Chương trình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Cũng như phần lớn các đại biểu, ông Nguyễn Văn Huy - Đại diện cho cử tri của tỉnh Thái Bình, khi tham gia thảo luận đã ghi nhận kết quả mà các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được. “Nhờ có chương trình Xây dựng nông thôn mới mà diện mạo nông thôn đã phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Kế thừa và phát huy kết quả đạt được của giai đoạn trước, phong trào Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã bám sát mục tiêu, gắn với việc thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững” - Ông Huy đánh giá cụ thể về chương trình Xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể có thể kể đến tình trạng trùng lặp về mục tiêu, nội dung đối tượng thụ hưởng. Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nêu dẫn chứng: “Các nội dung trùng lặp về dự án của các chương trình, cụ thể là dự án hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Dự án hỗ trợ sản suất theo chuỗi giá trị, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc chương trình quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo vùng khó thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”.

Do trùng lặp, chồng chéo về nội dung dự án giữa các chương trình nên có những địa phương lúng túng trong quá trình triển khai, thậm chí "có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận xét.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) thì nêu rõ những bất cập, vướng mắc về cơ chế, thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan. “Việc giao vốn sự nghiệp thì bất cập, chưa thống nhất giữa 3 chương trình. Chương trình về xây dựng nông thôn mới thì giao tổng số vốn sự nghiệp, còn chương trình về giảm nghèo và chương trình về phát triển kinh tế xã hội, dân tộc thiểu số và miền núi thì giao chi tiết đến từng dự án thành phần nên rất khó khăn để địa phương thực hiện cơ chế lồng ghép cho các chương trình”.

Như một hệ lụy tất yếu, những tồn tại, bất cập đã ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các chương trình. Cụ thể, với chương trình Xây dựng nông thôn mới, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến ngày 30-6-2023 mới giải ngân được gần 9,2% kế hoạch vốn của năm; Với chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (tính đến ngày 31/1/2023) đạt trên 35,6% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 45% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt gần 6,4% kế hoạch); giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6-2023 đạt 6,53%; giải ngân vốn đầu tư công ước đến ngày 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch; Với chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả giải ngân cũng đạt tỷ lệ thấp. Từ năm 2022 đến 6-2023, giải ngân khoảng gần 19% so với kế hoạch trung hạn, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 19,5%, vốn sự nghiệp là 12,3%. Giải ngân vốn sự nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến ngày 30/6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm.

Từ những số liệu này, các đại biểu đều băn khoăn cho rằng khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn.

Cần cơ chế đặc thù

Sau khi nêu rõ thực trạng, phân tích và đánh giá nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, bất cập, các đại biểu đều cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra cần phải có cơ chế đặc thù. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh). “Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế quản lý tổ chức thực hiện. Chúng ta đang thực hiện theo hướng dẫn là phải đảm bảo các quy định về cơ chế quản lý vốn ngân sách đầu tư công cho các chương trình mục tiêu quốc gia như Luật Đầu tư công hay Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong cơ chế chính sách nên có một số chính sách đặc thù, ví dụ, đặc thù trong huy động nguồn lực, đặc thù trong lồng nghép nguồn lực, đặc thù đối với các dự án nhỏ, tính chất kỹ thuật không phức tạp. Nếu không có các chính sách, cơ chế đặc thù thì các địa phương sẽ còn lúng túng trong triển khai, thực hiện”, bà Lan khẳng định.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng phải có một cơ chế đặc thù thì mới có thể tháo gỡ được những bất cập. Thậm chí, theo ông, cơ chế đặc thù này cần được xây dựng thành một nghị quyết: “Với những khó khăn như hiện nay về thể chế, con người, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện, nếu không đột phá với một cơ chế đặc thù thì khó đạt được mục tiêu mà cả giai đoạn 2021-2015 đặt ra. Tôi đề nghị có một nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền, có những cơ chế như Chính phủ đề xuất để giải ngân vốn đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình”.

Để gỡ khó cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vấn đề trùng lặp về nội dung, dự án…đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, tạo sự chủ động cho các địa phương xem xét khoán kinh phí thực hiện cho cấp huyện.

"Tôi đề nghị nghiên cứu để có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn. Từ đó để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số”, ông Luận nêu hướng tháo gỡ bất cập trong việc giải ngân nguồn vốn.

Về phương thức quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Luận đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn, theo dõi đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến, điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách của các chương trình. Theo ông Luận, việc quản lý theo hướng “lấy kết quả đầu ra” cũng là cách để tăng cường tính công khai, chất lượng báo cáo, năng lực trong kiểm soát công việc.

Nêu giải pháp tháo đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị cơ quan cấp Trung ương chỉ quản lý các chỉ tiêu, mục tiêu, còn cách làm thì để các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm. “Tôi đề nghị phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh khi sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Chẳng hạn, chương trình đặt ra mục tiêu giải quyết nhà ở, sinh kế, nước sinh hoạt, nhưng nếu địa phương đã giải quyết được các vấn đề đó thì có thể điều chỉnh để sử dụng vốn cho các vấn đề khác cấp bách hơn, không phải xin ý kiến Trung ương”, ông Hạ phân tích.

Theo kế hoạch, sau khi lắng nghe và nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, vào ngày làm việc cuối cùng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.