Tham gia một buổi đổi rác lấy cây cùng các em nhỏ Trường Tiểu học Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy em nào cũng háo hức với hoạt động thu gom rác tái chế để đổi lấy những chậu cây nhỏ. Đây là một phần kết quả của dự án “Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh” được Trường Tiểu học Phú Diễn triển khai từ đầu năm học mới đến nay. Theo đó, khi học sinh thu gom và mang chai, lọ nhựa đến, nhà trường sẽ tiếp nhận và tặng lại những chậu cây xinh xắn. Mục đích là để nâng cao ý thức cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời lan tỏa lối sống xanh ra cộng đồng.

Sau khi được nghe phổ biến về ý nghĩa của dự án, cùng với các bạn trong trường, Hoài Thương đã hình thành cho mình một thói quen mới. “Trường con phát động dự án Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh. Về nhà, con đã thu gom được nhiều chai nhựa. Con đổi được một cây sen đá, con rất hào hứng và chăm sóc nó rất tốt”, Thương chia sẻ.

Từ những gì được nghe, được thấy sau khi nhà trường triển khai dự án “Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh”, Nguyễn Yến Nhi, học sinh lớp 5A1 cũng luôn quan tâm đến việc thu gom rác thải nhựa. Chỉ trong một tuần, Nhi đã tích trữ được hơn 30 vỏ chai nước khoáng, nước giải khát và can nhựa đựng dầu ăn, nước giặt, nước rửa tay các loại. Ngoài ra, em còn thu gom được một số rác có thể tái chế như lon bia, sách báo cũ... Nhà cách trường không xa, khi đi học, Nhi cho vào túi đựng và tự tay xách đến trường với niềm vui và sự háo hức. Sau khi giao nộp cho một giáo viên phụ trách, em được lựa chọn một hoặc hai chậu sen đá mà em thích để mang về chăm sóc. Nhi cho biết em rất hào hứng với hoạt động này. Thay vì phải bỏ tiền để mua những chậu cây xinh xắn, em chỉ cần nhặt ra những đồ gia đình thải bỏ mà được làm từ nhựa hoặc kim loại và để riêng vào một túi. Chỉ với việc làm rất nhỏ ấy, em vừa có được những chậu cây xinh xắn vừa góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. “Con thấy làm như vậy nó sẽ góp phần bảo vệ môi trường và giúp các bạn học sinh biết cách tái chế những món đồ bỏ đi”, Nhi chia sẻ.

Đổi rác thải nhựa nói riêng và rác tái chế nói chung lấy cây xanh là hoạt động rất thiết thực và mang nhiều ý nghĩa. Đây là nhận định của chị Hoàng Phương - phụ huynh của một học sinh, sau khi chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của con mình. Chị cho rằng dự án “Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh” do Trường Tiểu học Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội triển khai đang từng bước lan toả lối sống xanh ra cộng đồng. Không chỉ giúp các em nhỏ hiểu rõ về tác hại của rác thải nhựa, nâng cao ý thức trong việc thu gom, phân loại, dự án còn thúc đẩy các thành viên trong gia đình cùng thay đổi trong ý thức và hành động. “Khi mang cây xanh về, con biết cách tự chăm sóc, để ở góc học tập và nói sẽ trưng bày góc học tập bằng cây xanh đổi được để tạo hứng thú trong lúc học bài”, chị Phương cho biết.

Theo sát con trong học tập và sinh hoạt, anh Minh Quân, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng bất ngờ trước sự thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của con. Anh cho biết, sau khi nhà trường triển khai dự án án “Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh”, con anh không còn bỏ tất cả các loại rác vào một thùng nữa. Những chai, lọ hoặc sản phẩm được làm từ nhựa, giấy, kim loại…thải bỏ mà có thể tái chế được sẽ được con anh để riêng vào một túi. Sau vài ngày hoặc một tuần, con sẽ mang đến trường. “Năm nào nhà trường cũng có các chương trình như đổi rác thải nhựa lấy cây. Các chai nhựa ở nhà không dùng nữa mang đến lớp, các cô hướng dẫn cách tái chếm, sử dụng vào mục đích có ý nghĩa hơn. Con có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nhựa, như đi đường thấy rác thải nhựa thì nhặt vào thùng rác”, anh Quân cho biết.

Bà Vũ Thị Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết phụ huynh và nhà trường có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Mọi chương trình, hoạt động của nhà trường, phụ huynh đều nắm rõ. Hiểu được ý nghĩa cũng như sự thiết thực của dự án “Bớt một chai nhựa, thêm một mầm xanh” nên cha mẹ học sinh đều tích cực ủng hộ. Dự án vì thế như một mũi tên trúng nhiều đích. “Những người làm giáo dục như chúng tôi cảm nhận được việc xây dựng cho các con ý thức về bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết. Trong sân trường, ở các góc, hành lang đều có những thùng nhựa, thùng đựng rác thải vô cơ và hữu cơ. Các con đã biết phân loại rác. Đó là thành công của dự án. Qua dự án, chúng tôi cảm nhận được việc yêu quý môi trường, thân thiện môi trường của các con nâng lên rõ rệt”, bà Thành đánh giá.

Đề cập việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa, lợi ích của việc phân loại, thu gom loại rác này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng đây là hướng đi đúng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn - yếu tố then chốt để hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. “Phải có giáo dục. Giáo dục phải đầu tiên. Từ nay có chương trình giáo dục các cháu nhỏ thì trong 5 năm nữa, trong gia đình sẽ có thể phân loại rác nhựa trong hộ gia đình. Nếu như các con, các cháu được đi học và các cháu về bảo với bố mẹ rằng phải làm như thế thì chắc chắn bố mẹ sẽ làm. Cho nên trước hết chúng ta phải đi từ giáo dục. Nếu giáo dục tốt, có phân loại rác từ nhà thì sẽ không có chuyện vứt rác ra ngoài đường, sẽ không chuyện một ông lái ô tô và mở kính ném chai nước ra đường”, ông Vượng nêu quan điểm.

Từ thực tế với học sinh, phụ huynh và thầy cô Trường Tiểu học Phú Diễn và phân tích của ông Hoàng Đức Vượng, chuyên gia trong lĩnh vực nhựa tái sinh, có thể nói việc truyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về phòng chống rác thải nhựa là vô cần thiết. Có thể xem đây là yếu tố then chốt để từng bước thay đổi thói quen của người dân, nhất là thế hệ tương lai trong việc ứng xử với rác thải nhựa./.

Nghe bài viết dưới đây: